Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh chưa đạt yêu cầu, cho về như cũ?

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kết quả thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh, thành phố chưa đạt yêu cầu.

Chiều 1/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.

Trong tổng số 12 địa phương tổ chức triển khai thì có 11 địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất 03 văn phòng thành Văn phòng chung, riêng TPHCM thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND.

Khó tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Theo Chính phủ, ưu điểm của phương án thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng là giảm tối đa đầu mối tổ chức Văn phòng, số lượng tổ chức bên trong của Văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý. Kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của Văn phòng được tập trung một đầu mối quản lý.

Còn ưu điểm của phương án thí điểm hợp nhất 2 Văn phòng tại TPHCM là vừa giảm đầu mối tổ chức Văn phòng, số lượng lãnh đạo quản lý, tập trung 1 đầu mối tham mưu, giúp việc và phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, vừa bảo đảm thực hiện chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện quản lý nhà nước của các cơ quan chấp hành tại TPHCM.

Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh chưa đạt yêu cầu, cho về như cũ?

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, mô hình hợp nhất 2 văn phòng ở TPHCM được các địa phương cho rằng hợp lý nên cần nghiên cứu

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Văn phòng chung thực hiện chức năng tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau với ba chủ thể cấp trên trực tiếp chỉ đạo nên khó đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tham mưu đối với công tác quản lý nhà nước của UBND, công tác giám sát của HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội.

“Khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho 2 hệ thống cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp” – báo cáo của Chính phủ nêu rõ và cho rằng, việc hợp nhất còn mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Từ thực tế trên, đa số các địa phương triển khai thực hiện thí điểm kiến nghị chỉ nên thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Chính phủ cũng thống nhất với kiến nghị này, đồng thời đề nghị, trong điều kiện chưa sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội thì cho phép các địa phương đã thực hiện thí điểm tiếp tục duy trì mô hình cho đến khi Luật được ban hành và có hiệu lực.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo cáo của Chính phủ đề cập một số kết quả và hạn chế, bất cập nhưng để có thể nhìn nhận khách quan, chỉ ra được hiệu quả thực sự của việc thí điểm, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn, kèm theo các số liệu, dẫn chứng cụ thể về chất lượng, hiệu quả hoạt động của một Văn phòng chung khi thực hiện thí điểm trên cơ sở so sánh với hiệu quả hoạt động của 3 Văn phòng độc lập trước khi thực hiện thí điểm.

Không thành công thì nên quay trở lại như trước

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hợp nhất 3 văn phòng là thực sự khó khăn cho chủ thể phục vụ khác nhau, vì hai cơ quan dân cử thực hiện việc giám sát, ban hành các nghị quyết; cơ quan hành pháp thì tổ chức thực hiện.

“Về chức năng nhiệm vụ thì rất khó khăn, nhất là giám sát. Nhiều khi chọn đối tượng giám sát xong, chính ông đó lại ban hành kết luận giám sát. Khi giám sát xong về báo cáo lại chính ông đó sửa kết luận nên nhiều đoàn rất bức xúc việc sau khi giám sát về Chánh văn phòng sửa lại kết luận giám sát đó, dẫn đến không bảo đảm tính khách quan” – ông Nguyễn Hạnh Phúc dẫn chứng.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng nêu thực tế khi cần chuyên môn hoá, cần sâu thì tách ra, nhưng khi cần giảm biên chế, giảm bộ máy lại nhập vào. Câu chuyện này cứ thay đổi thường xuyên nên nhiều khi anh em không chuyên tâm, không yên tâm, cũng gây tốn kém về vật chất.

“Lần này cần đánh giá kỹ. Nếu kéo dài đến khi Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực (tháng 7/2021) thì dài quá. Các anh em văn phòng cũng chờ đợi, không biết đi đâu về đâu. Cán bộ bổ nhiệm bây giờ cũng vướng, Đại hội Đảng các cấp ở địa phương đến nơi rồi. Tôi đề nghị nếu UBTVQH quyết định nhập hai văn phòng thôi (Đoàn ĐBQH với HĐND) thì đề nghị sớm chỉ đạo cơ quan xây dựng đề án trong năm nay” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến.

Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh chưa đạt yêu cầu, cho về như cũ?

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị kiểm điểm TPHCM vì không thực hiện nghiêm túc tinh thần thí điểm hợp nhất 3 văn phòng

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, UBTVQH đã chấp hành nghiêm túc ý kiến của Trung ương, của Quốc hội về tiến hành thí điểm hợp nhất. Với các địa phương, 11 tỉnh, thành chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và UBTVQH, một đơn vị không chấp hành nghiêm túc là TPHCM (vì chỉ hợp nhất 2 văn phòng thay vì 3 văn phòng). Theo đúng yêu cầu thí điểm đến 31/12/2019 đã phải tổng kết nhưng đến nay mới thực hiện là chậm.

Cho biết bản thân đã dự các hội nghị của HĐND của hầu hết địa phương được thí điểm, bà Tòng Thị Phóng cho biết các ý kiến đều không đồng tình với việc hợp nhất. Do đó báo cáo cần đánh giá cho sát, trong đó về hiệu quả sắp xếp được bao nhiêu nhân sự, hiệu quả kinh tế tiết kiệm được bao nhiêu tiền, đổi mới phong cách của cán bộ sau sắp xếp ra sao...

Từ thực tế trên, bà Tòng Thị Phóng đề nghị cho trở lại 3 văn phòng như cũ vì bước đầu thấy đạt yêu cầu thấp và đúng với Nghị quyết là thí điểm đến 31/12/2019.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh, có chăng là đổi mới cái bên trong để nâng cao chất lượng. Còn căn cứ theo luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thấy có cơ sở sáp nhập Văn phòng UBND với Văn phòng HĐND thành cơ quan giúp việc của chính quyền địa phương.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cái gì chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì chưa vội sửa luật. Việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đa số ý kiến cho rằng thực hiện không đạt yêu cầu thì cho về như hiện hành. Còn vấn đề có nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND hay không phụ thuộc vào việc xin ý kiến địa biểu để sửa Luật Tổ chức Quốc hội sắp tới.

“Giờ chưa sửa luật thì về như cũ vì giờ tiếp tục thực hiện thì dựa theo cái gì? Sau 1 năm tôi thấy không thành công, hết thí điểm thì trở về như cũ, cái gì chưa rõ thì thảo luận tiếp” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn thiện báo cáo để trình Trung ương, Bộ Chính trị về kết quả thực hiện thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 18./.

Theo VOV

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.