66 triệu năm trước một vụ nổ thiên thạch đã xóa sổ loài khủng long trên Trái đất.
Chuyện gì xảy ra nếu thiên thạch va chạm Trái đất?
Xóa sổ loài khủng long
Cách đây 66 triệu năm, một thiên thạch có đường kính 14km, bay với vận tốc 64.000 km/h đâm sầm vào vùng biển cạn ngày nay là bán đảo Yucatan, Mexico.
Nó đã tạo nên một vụ nổ có sức mạnh gấp 7 tỉ lần quả bom quả bom hạt nhân 15 kiloton (1 kiloton = 1.000 tấn thuốc nổ TNT mà người Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật hồi cuối Thế chiến II).
Vụ nổ làm tuyệt chủng loài khủng long vốn đã thống trị Trái đất từ 100 triệu năm trước, và mở đường cho tổ tiên thời tiền sử của loài người là động vật có vú "lên ngôi".
Nguy cơ một thiên thạch đâm vào Trái đất và tiêu diệt hầu hết mọi sinh vật vẫn luôn hiện hữu.
Một số nhà khoa học cho rằng nếu không có biến cố này, có thể loài khủng long cũng sẽ tiến hóa như loài người và làm chủ hành tinh xanh chứ không phải chúng ta hiện nay.
Cho đến giờ, nguy cơ một thiên thạch đâm vào Trái đất và tiêu diệt hầu hết mọi sinh vật vẫn luôn hiện hữu.
Mạnh gấp 65.000 lần bom hạt nhân ném xuống Hiroshima
Các nhà khoa học cho biết một thiên thạch tên là Apophis sẽ lướt qua sát Trái đất vào ngày 13-4-2029, chỉ cách chúng ta có 30.000km. Đối với ngành thiên văn vũ trụ, đây là một cự ly nhỏ như sợi tóc.
Thiên thạch này có đường kính 370m, nếu nó đâm vào Trái đất sẽ tạo nên một vụ nổ khủng khiếp có sức mạnh gấp 65.000 lần quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima.
Trong vụ thiên thạch nổ trên không phận vùng Chelyabinsk (Nga) năm 2013, nó đã lao vào bầu khí quyển Trái đất với vận tốc lên đến 60.000 km/h và phát nổ cách mặt đất 29,7 km.
Ánh sáng vụ nổ có cường độ cao hơn ánh sáng Mặt trời, cách xa 100km vẫn có thể quan sát thấy. Với kích thước chỉ có 20m, trọng lượng khoảng 12.000 tấn mà nó đã gây thương vong cho hơn 1.500 người dân ở đó và gây hư hại cho 7.200 căn nhà của 6 thành phố lân cận.
May mắn là do nổ ở độ cao khá lớn nên tác hại của nó là không lớn, phạm vi phát tán khí cực nóng và bụi chỉ trong vòng 26km và gây chấn động 2,7 độ Richter.
Sức nổ đã được các nhà khoa tính toán là khoảng từ 400-500 kiloton, tức là gấp 26-33 lần quả bom hạt nhân Hiroshima.
Hậu quả khủng khiếp
Nguy hiểm nhất là những thiên thạch có kích cỡ này hoặc lớn hơn nổ ở độ cao dưới 10km. Các khoa học gia đã tính ra rằng chỉ cần một thiên thạch có đường kính 18m nổ ở cao độ thấp, nó sẽ tạo nên một trận cuồng phong với sức gió có tốc độ siêu âm 1.600 km/h, thừa sức xé toạc các chi của cơ thể và phá hủy nột tạng con người, xô đổ mọi công trình xây dựng kiên cố trên đường đi của nó.
Trong vụ thiên thạch nổ trên bầu trời vùng Tunguska (Nga) năm 1908, nó nổ cách mặt đất ở cao độ khoảng từ 5-10km, phá hủy một khu vực rừng rậm rộng lớn có diện tích 2.150 km2 và đốn ngã khoảng 80 triệu cây rừng.
Còn đối với những thiên thạch lớn từ vài trăm mét trở lên, nó sẽ không nổ trên bầu khí quyển mà đâm thẳng xuống bề mặt Trái đất.
Một thiên thạch có đường kính 10km sẽ tạo một vụ nổ có sức công phá tương đương 1 tỉ quả bom hạt nhân.
Ta thử tưởng tượng nếu là một thiên thạch lớn hơn có đường kính vài mươi km thì sức tàn phá của nó sẽ ghê gớm đến mức nào. Vụ nổ với năng lượng của hàng triệu tỉ tấn thuốc nổ TNT sẽ tạo nên những trận bão lửa lan truyển khắp các lục địa, hất tung lên bầu khí quyển hàng chục triệu tấn đất đá, khói, tro bụi dày dặc.
Theo sau nó là những thảm họa dây chuyền như sóng thần cao đến 300m, một cơn siêu động đất có cường độ 13 độ Richter lan truyền khắp nơi và kích hoạt các siêu núi lửa phun trào càng làm tăng thêm lượng tro bụi dày dặc chứa đầy acid sulfuric bao phủ bầu khí quyển và che lấp ánh sáng Mặt trời.
Môi trường sống trên mặt đất và các đại dương bị hủy hoại vì khói bụi và khí độc. Nhiệt độ không khí toàn cầu cũng giảm xuống còn 20 độ C, các loài thực vật sẽ chết do không thể quang hợp vì thiếu ánh sáng mặt trời, kéo theo sự tuyệt chủng của hàng loạt loài động vật, trong đó có loài người.
Giới khoa học và quân sự những cường quốc như Mỹ, Nga cũng đã nghiên cứu giải pháp cho nổ bom hạt nhân để phá vỡ thiên thạch hoặc làm chệch quỹ đạo không để đâm vào Trái đất, nhưng tất cả chỉ là trên lý thuyết.
Mỗi năm có đến vài trăm thiên thạch lướt ngang rất gần Trái đất, may mắn là phần lớn đều không đâm vào hành tinh của chúng ta. Nhưng nếu có sự va chạm nào đó giữa các thiên thạch làm thay đổi quỹ đạo, có nhiều khả năng chúng sẽ đâm vào Trái đất. Những ngôi sao băng chúng ta thỉnh thoảng nhìn thấy trên bầu trời đêm là do những tiểu thiên thạch rất nhỏ kích thước từ 1m đến nhỏ như hạt cát. Khi chúng đâm vào bầu khí quyển, sự ma sát với không khí làm chúng nóng đỏ lên và bốc cháy. Theo các nhà khoa học, hàng năm có khoảng 15.000 tấn thiên thạch rơi xuống Trái đất. |