Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh
- Hà Tĩnh là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển DLST, vậy thời gian qua, ngành đã quan tâm đến vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Trần Sáng: Thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 về phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, trên cơ sở tiềm năng lợi thế, Hà Tĩnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng quy hoạch, tích cực thu hút đầu tư, triển khai nhiều chương trình dự án quan trọng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, không ngừng thu hút du khách đến với Hà Tĩnh. Trong đó, chất lượng các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, du lịch biển nói chung và DLST nói riêng đều được đầu tư nâng cấp khá quy mô.
Tuy vậy, so với mặt bằng chung, kết quả hoạt động DLST trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua vẫn còn khiêm tốn. Tính từ đầu năm lại nay, tổng lượng khách đến Hà Tĩnh đạt 1.050.000 lượt (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, lượng khách du lịch biển và du lịch văn hóa tâm linh chiếm gần 85%. Lượng khách tham quan, trải nghiệm DLST đạt rất thấp, chỉ chiếm hơn 15%. Khu DLST Hải Thượng (Hương Sơn) được cho là địa chỉ thu hút khách nhất cũng chỉ đạt hơn 36.000 lượt khách/năm. Nhiều địa chỉ DLST trong tỉnh cũng chưa đủ tầm tạo sức hấp dẫn để thu hút du khách.
Một góc khu du lịch sinh thái nước sốt Sơn Kim
- Nguyên nhân nào khiến nhiều khu, điểm DLST trên địa bàn tỉnh ta được đầu tư khá quy mô nhưng vẫn chưa thể hút khách, thưa ông?
Ông Lê Trần Sáng: Hiện nay, các khu DLST đã được đầu tư như: Hồ Kẻ Gỗ, Đồng Nôi (Cẩm Xuyên); hồ Trại Tiểu (Can Lộc); nước khoáng nóng Sơn Kim, Hải Thượng (Hương Sơn); Đức Đường, Khu du lịch trải nghiệm NTM Xuân Mỹ (Nghi Xuân); Khu du lịch trải nghiệm nông cụ sản xuất tại xã Hương Bình (Hương Khê)… Tuy nhiên, hoạt động DLST trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa tạo được sức hút khiến du khách tìm đến tham quan.
Trong đó, nguyên nhân chính bắt đầu từ công tác quy hoạch đang còn rất bất cập, manh mún, các khu DLST đều thiếu điểm nhấn. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần chục khu, điểm du lịch sinh thái nhưng mới chỉ có Khu DLST Hải Thượng và Khu DLST Đức Đường có quy hoạch chi tiết. Còn lại, tất cả đang dừng lại trong hệ thống quy hoạch chung.
Bên cạnh đó, chất lượng mạng lưới hạ tầng giao thông thấp, đường dẫn đến các khu, điểm DLST đi lại khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mặt khác, sản phẩm DLST chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa cao để thu hút du khách. Trong khi nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch nói chung và lĩnh vực DLST nói riêng còn nhiều hạn chế, số lượng ít, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ không cao.
Chưa có quy hoạch, chủ doanh nghiệp Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi chưa thể đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch xứng tầm để hút khách
- Theo ông, giải pháp nào là hiệu quả nhất để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm DLST trong giai đoạn hiện nay?
Ông Lê Trần Sáng: Như tôi đã nói ở trên, việc cần thiết nhất hiện nay chính là tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm DLST trọng điểm. Có như vậy, các doanh nghiệp mới an tâm đầu tư phát triển bền vững. Đặc biệt, Nhà nước cần phải đi đầu trong việc đầu tư nâng cấp phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, nâng cao chất lượng đường bộ, đảm bảo điện, nước, viễn thông tại các cơ sở du lịch. Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển DLST mang bản sắc Hà Tĩnh. Ngoài ra, các địa phương,các chủ đầu tư cũng cần phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ DLST.
Riêng ngành VH-TT&DL, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến, xúc tiến sản phẩm du lịch tại các địa bàn trọng điểm trong và ngoài nước; chủ động công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ du lịch chuyên nghiệp, tạo sự hài lòng cho du khách.
- Xin cảm ơn ông!