Thoát khỏi tư duy “mùa vụ”, đầu tư thỏa đáng cho du lịch Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, ngành du lịch Hà Tĩnh dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, để ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững và tương xứng với tiềm năng, lợi thế riêng có, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

P.V Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.

- Xin ông có thể đánh giá về sự phục hồi của ngành du lịch Hà Tĩnh sau thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch COVID-19?

Ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh. (Ảnh Thiên Vỹ).

Đại dịch COVID-19 như một “điểm dừng”, một “bước lùi” của ngành dịch vụ, du lịch nói chung, du lịch Hà Tĩnh nói riêng. Trong hơn 2 năm dịch bệnh hoành hành, mọi hoạt động về du lịch gần như ngưng trệ, phần lớn nhân lực ngành du lịch đều chuyển sang các ngành nghề khác.

Sau khi dịch bệnh tạm lắng, Chính phủ và tỉnh ta đã có chính sách mở cửa. Cùng với cả nước, những người làm du lịch ở Hà Tĩnh đã nhanh chóng bắt nhịp trở lại để “hồi sinh” du lịch. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được sửa chữa, làm mới; nhân lực làm du lịch quay trở lại với lĩnh vực của mình; hàng hóa, thực phẩm được cung cấp đầy đủ để phục vụ du khách...

Du lịch Hà Tĩnh phục hồi khá nhanh sau đại dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách đến Hà Tĩnh đạt trên 1 triệu lượt, đạt hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện. Đặc biệt, từ tháng 4/2022 đến nay, khi bước vào mùa hè, cùng với sự ổn định của dịch bệnh, các loại hình du lịch ở Hà Tĩnh được khôi phục, phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Kết quả này cơ bản đạt được như mong đợi của những người làm du lịch.

- Để có được sự phục hồi du lịch khá nhanh chóng đó, theo ông là nhờ vào những yếu tố nào?

Có nhiều yếu tố để làm nên kết quả khả quan đó, tuy nhiên, đầu tiên phải kể đến là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, các địa phương. Có thể nói, chưa bao giờ sự phát triển của ngành du lịch được chính quyền, người dân quan tâm, ủng hộ như thời gian vừa qua.

Khu du lịch Thiên Cầm “thay áo mới” chào đón du khách.

Điều đó thể hiện qua các chính sách kích cầu du lịch; lễ hội khai trương mùa du lịch biển được tổ chức khá quy mô, hoành tráng tại các địa phương và Khu du lịch Thiên Cầm. Các cơ quan, ban, ngành tích cực tuyên truyền, quảng bá cho các địa điểm, tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh...

Sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi dịch bệnh, nhu cầu đi du lịch, nghỉ ngơi, thư giãn của người dân rất lớn đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, cũng cần kể đến nỗ lực của những người làm du lịch để đưa hoạt động du lịch Hà Tĩnh chuyển biến cả về chất và lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Khách sạn Mường Thanh Xuân Thành là địa điểm được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hà Tĩnh vẫn còn rất nhiều hạn chế về cơ sở vật chất; tư duy làm du lịch manh mún, nhỏ lẻ; chưa thu hút được lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế...

- Vậy thời gian tới, Hà Tĩnh cần làm gì để ngành du lịch phục hồi, phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thưa ông?

Hà Tĩnh có nhiều loại hình du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, trong đó, thế mạnh là du lịch biển và du lịch tâm linh. Muốn phát triển du lịch bền vững phải biết khai thác tiềm năng đúng cách và đúng tầm. Điều đó thể hiện ở việc gắn du lịch với bảo vệ môi trường; xây dựng chính sách phải có định hướng rõ ràng, phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương.

Ông Hồ Việt Anh trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh về định hướng phát triển du lịch Hà Tĩnh trong thời gian tới. (Ảnh Thiên Vỹ).

Khách du lịch bây giờ là những người tiêu dùng thông thái, họ sẽ chỉ lựa chọn những sản phẩm đảm bảo các yếu tố như: cơ sở vật chất khang trang; dịch vụ tốt cho sức khỏe thể chất, tinh thần; thân thiện môi trường; loại hình mới lạ, hấp dẫn... Do đó, chính quyền địa phương cũng như người làm du lịch ở Hà Tĩnh cần thoát khỏi tư duy “làm du lịch mùa vụ”; đầu tư thỏa đáng cho du lịch.

Cần kết nối tour tuyến, mở thêm các loại hình du lịch trải nghiệm ở vùng núi, vùng bán sơn địa.

Việc kết nối các tour, tuyến trong tỉnh; mở thêm các loại hình du lịch trải nghiệm ở vùng núi, bán sơn địa; khai thác tối đa tiềm năng của đặc sản vùng miền; kết hợp loại hình du lịch tâm linh... sẽ thu hút được người dân, du khách đi du lịch không chỉ mùa hè mà các mùa còn lại trong năm. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng các dịch vụ du lịch hướng đến khách hàng trẻ tuổi vì đây là đối tượng ưa khám phá, thích “xê dịch”, hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Tắm bùn ở Khu du lịch Sinh thái Hải Thượng thuộc xã Sơn Trung, Hương Sơn.

Để sản phẩm du lịch đến gần hơn với du khách, cần chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá. Tuyên truyền để người dân địa phương xây dựng thói quen, tư duy làm du lịch; quảng bá để cảnh đẹp, tiềm năng của địa phương được bạn bè xa gần biết đến nhiều hơn.

Nếu thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp trên, tôi tin rằng, Hà Tĩnh sẽ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thu hút được đông đảo du khách, đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.

- Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói