Sáng 7/11, Bộ Công an tổ chức họp báo về việc bỏ các thủ tục về hộ khẩu và chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an, chủ trì.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an (giữa), chủ trì buổi họp báo. Ảnh: C.K. |
Sổ hộ khẩu, CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng
Trung tướng Trần Văn Vệ - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát -cho hay việc thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. Tuy nhiên, do công tác quản lý dân cư chủ yếu thực hiện theo hình thức thủ công, do vậy, thông tin về dân cư chủ yếu mới phục vụ cho mục tiêu quản lý của ngành, lĩnh vực, chưa được kết nối, chia sẻ và khai thác để dùng chung. Đồng thời, khi tiến hành giải quyết thủ tục hành chính, công dân cũng phải xuất trình rất nhiều loại giấy tờ để chứng minh nhân dân, gây phiền hà lãng phí. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng đã giao Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời làm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử. Qua đó, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đơn giản thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cung cấp các thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Quang Anh. |
"Không có nước nào trên thế giới bỏ quản lý dân cư, kể cả các nước như Anh, Pháp, Mỹ. Thông tin bỏ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là không chính xác", trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, cho biết hiện nay công tác quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ ngành thực hiện. Để đảm bảo quản lý Nhà nước và quyền công dân, các cơ quan nhà nước để cấp một loại giấy tờ nên một người có nhiều loại giấy tờ khác nhau.
"Thay sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân là thay quản lý từ kiểu thủ công bằng cách tiến bộ hơn, tránh phiền hà cho công dân". Thiếu tướng Lương Tam Quang - Chánh văn phòng Bộ Công an | ||
Sau khi dự án được hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử.
Thông tin cơ bản về công dân đã được thu thập và quản lý, đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống, trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú. Việc bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương, nhưng phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư.
Thay CMND bằng căn cước công dân
Nói về việc bỏ chứng minh nhân dân, trung tướng Vệ cho hay đó là thông tin chưa chính xác. Chứng minh nhân dân bằng giấy làm thủ công, lăn tay, đánh máy, quá trình làm cũng mất 2-3 tháng. CMND bằng giấy cũng rất dễ bị làm giả. Có cả những người làm 2-3 CMND khi thay đổi hộ khẩu. Vì vậy việc triển khai căn cước công dân và đã cấp được 16 tỉnh, thành phố.
Theo trung tướng Trần Văn Vệ, nói bỏ CMND chẳng qua là thay bằng công cước công dân, người dân phải có giấy tờ tùy thân trong người.
"Tới 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân toàn quốc. Nhưng nếu người dân không sử dụng căn cước thì vẫn sử dụng chứng minh nhân dân. Vì vậy nói việc bỏ chứng minh nhân dân là không thể", tướng Vệ lý giải.
Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin, hiện nước ta đang có 3 loại giấy tờ chứng minh nhân thân bao gồm: CMND cũ (9 số), CMND mới (12 số) và căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau. Từ ngày 1/1/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành tại 16 tỉnh, thành phố đã triển khai cấp CMND mới đã chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân. Như vậy, hiện Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước công dân cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố và cấp CMND (9 số) cho công dân tại 47 tỉnh, thành phố. Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện về nguồn vốn và các bộ, ngành khẩn trương tập trung nghiên cứu, trình Chính phủ sớm phê duyệt dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân thì đến 1/1/2020 sẽ đảm bảo được việc mở rộng cấp căn cuocws công dâ trên phạm vi toàn quốc. Khi đó căn cước công dân sẽ dần thay thế CMND 9 số hiện nay.
Về lộ trình, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Cư trú 2016 và Luật sửa đổi Luật Cư trú cùng 7 nghị định, 5 thông tư liên tịch.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Quang Anh. |
Ba ngày trước (4/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.