Thủ đoạn tham ô của chi cục trưởng chi cục thi hành án dân sự

Chỉ bằng công cụ là lưỡi dao lam, trong thời gian ngắn, Hoàng Thị Vui, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La và thuộc cấp đã tẩy, sửa 82 chứng từ nộp tiền của ngân hàng để chiếm đoạt tiền thi hành án.

Không dừng lại, Vui còn lợi dụng chức vụ để rút tiền từ kho bạc Nhà nước nhằm chiếm dụng cá nhân. Tại phiên xét xử Hoàng Thị Vui và đồng phạm, dư luận ngỡ ngàng vì thủ đoạn gian manh của các bị cáo.

“Phù phép” cấn trừ nợ, chiếm đoạt tiền thi hành án

Cuối tháng 5/2023, TAND tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu. Bị cáo Hoàng Thị Vui, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Yên Châu và Tạ Thị Thanh Mai, kế toán Chi cục bị đưa ra xét xử cùng về tội “tham ô tài sản”. Số tiền các bị cáo tham ô lên đến gần 1,4 tỉ đồng.

Thủ đoạn tham ô của chi cục trưởng chi cục thi hành án dân sự

Hội đồng xét xử vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu

Theo nội dung cáo trạng của VKSND tối cao, Hoàng Thị Vui lấy lý do Chi cục THADS huyện Yên Châu còn phát sinh một số khoản nợ và để có tiền trả nợ Vui đã chỉ đạo kế toán Tạ Thị Thanh Mai, Hoàng Văn Việt là thủ quỹ, nghĩ cách làm giảm số nợ. Khi Hoàng Văn Việt đi nộp tiền thi hành án vào ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng Agribank huyện Yên Châu thì Vui và Mai yêu cầu Việt xin thêm giấy nộp tiền của ngân hàng mang về đưa cho Mai.

Tạ Thị Thanh Mai đã dùng dao lam cạo số hiệu, mã hiệu trên giấy nộp tiền xin thêm rồi sửa thành số hiệu, mã hiệu khác để lập thành những bộ chứng từ có phiếu chi cùng ngày, cùng số tiền nhưng khác nội dung nộp tiền cho Hoàng Thị Vui ký duyệt để chiếm đoạt số tiền của các phiếu chi này.

Sau một thời gian thực hiện, Tạ Thị Thanh Mai thấy việc tẩy sửa chứng từ sẽ xảy ra tình trạng trong ngày tại đơn vị phát sinh nhiều khoản chi có cùng số tiền dễ bị phát hiện khi kiểm tra nên Tạ Thị Thanh Mai và Hoàng Thị Vui thống nhất thay đổi cách thực hiện từ sửa đổi số hiệu, mã hiệu thành sửa số tiền bằng số, bằng chữ trên các giấy nộp tiền.

Thủ đoạn tham ô của chi cục trưởng chi cục thi hành án dân sự

Đại diện viện kiểm sát tại phiên xét xử

Hai bị cáo đã nhờ các cán bộ: Trần Văn Sinh, Ngô Văn Linh, Vì Văn Lấm, Lò Thị Hồng, Lê Hà Quốc Khánh đi nộp tiền thi hành án vào ngân sách tại ngân hàng Agribank Yên Châu với số tiền nhỏ. Khi chứng từ là giấy nộp tiền được chuyển lại, Mai đã photo thành nhiều bản và dùng dao lam cạo phần số tiền bằng số, bằng chữ trên chứng từ photo, dùng máy tính căn chỉnh in thử cho khớp khoảng cách giữa các dòng so với chứng từ gốc, sau đó Mai tiếp tục cạo phần số tiền bằng số, bằng chữ trên chứng từ gốc và in lại từ số tiền nhỏ thành số tiền lớn hơn, số tiền thực nộp chỉ bằng 1/10 số tiền chỉnh sửa, để chiếm đoạt phần chênh lệch của các giấy nộp tiền. Sau đó, Tạ Thị Thanh Mai chuyển chứng từ đã hợp thức này cho Thào A Tệch là thủ quỹ ký đúng thủ tục để chuyển cho các chấp hành viên lưu hồ sơ thi hành án.

Với cách thức và thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ ngày 27/11/2014 đến ngày 16/07/2021, Hoàng Thị Vui và Tạ Thị Thanh Mai đã tẩy sửa 82 chứng từ là giấy nộp tiền thi hành án vào ngân sách Nhà nước (tương ứng là các phiếu chi) với tổng số tiền phải nộp là 977 triệu đồng, thực tế chỉ nộp vào ngân sách số tiền là 68 triệu đồng, chiếm đoạt số tiền là 909,7 triệu đồng.

Các chứng từ này chủ yếu liên quan đến các hồ sơ thi hành án do Hoàng Thị Vui trực tiếp giải quyết và một số hồ sơ thi hành án của các chấp hành viên Lừ Văn Tâm, Quàng Văn Mừng, Lê Văn Minh, Ngô Đình Sơn, Lường Văn Bích.

Thủ đoạn tham ô của chi cục trưởng chi cục thi hành án dân sự

Trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La

Thủ đoạn rút tiền từ tài khoản tạm giữ tại kho bạc Nhà nước

Hoàng Thị Vui chỉ đạo Tạ Thị Thanh Mai lập giấy nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Chi cục THADS huyện Yên Châu tại Kho bạc Nhà nước huyện Yên Châu. Sau đó, Mai lập các quyết định xử lý tiền và Ủy nhiệm chi trong tài khoản và mang các chứng từ này ra kho bạc để làm thủ tục chuyển tiền thông qua ủy nhiệm chi.

Sau khi nhận lại ủy nhiệm chi từ kho bạc, Mai dùng dao lam cạo số tiền bằng số, bằng chữ và sửa thành số tiền lớn hơn số tiền thực nộp, chỉ bằng 1/10 số tiền sửa chữa, rồi soạn thảo lại quyết định xử lý tiền có số tiền phù hợp với số tiền đã sửa trên ủy nhiệm chỉ để lưu vào hồ sơ thi hành án.

Với cách thức, thủ đoạn trên, từ 31/7/2018 đến 28/7/2020, Hoàng Thị Vui và Tạ Thị Thanh Mai lập 14 chứng từ (tương ứng với 14 ủy nhiệm chi) với tổng số tiền phải nộp là 425,7 triệu đồng, trong đó số tiền thực tế nộp ngân sách là 39,8 triệu đồng, số tiền chênh lệch rút từ tài khoản tạm giữ tại kho bạc Nhà nước đã chiếm đoạt là 385,9 triệu đồng.

Chiếm đoạt tiền thi hành án trả cho cá nhân, tổ chức

Ngày 1/11/2018, Ngân hàng Agribank huyện Yên Châu nộp tiền phí thi hành án số tiền 55 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Chi cục THADS huyện Yên Châu. Khi Kho bạc Nhà nước huyện Yên Châu thông báo về việc Ngân hàng Agribank huyện Yên Châu nộp phí thi hành án, Hoàng Thị Vui chỉ đạo Tạ Thị Thanh Mai rút số tiền 55 triệu đồng về, không hạch toán vào phần mềm kế toán; không nhập vào quỹ tiền mặt cơ quan, để số tiền này ngoài sổ sách, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Thủ đoạn tham ô của chi cục trưởng chi cục thi hành án dân sự

Bị cáo Tạ Thị Thanh Mai khóc, xin được lượng hình

Ngày 5/10/2020, Hoàng Thị Vui chỉ đạo Tạ Thị Thanh Mai lập quyết định xử lý tiền và giấy rút tiền để rút số tiền là 7,7 triệu đồng do Cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Yên Châu khấu trừ tiền lương hưu của các đối tượng phải thi hành trong vụ việc Công ty dịch vụ phát triển Chè Sơn La bị tuyên bố phá sản chuyển khoản đến tài khoản tạm giữ của Chi cục THADS huyện Yên Châu. Vui đã chỉ đạo Mai làm thủ tục rút về không nhập quỹ tiền mặt, để ngoài sổ sách, chiếm đoạt, sử dụng cá nhân.

Ngày 27/2/2020, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nộp 36 triệu đồng tiền tạm ứng án phí vào tài khoản tạm giữ của Chi cục THADS huyện Yên Châu tại Kho bạc Nhà nước huyện Yên Châu. Hoàng Thị Vui chỉ đạo Tạ Thị Thanh Mai làm thủ tục rút 32 triệu đồng. Theo nguyên tắc thì chỉ được rút tiền khi có kết quả giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, thời điểm Vui, Mai rút tiền, vụ việc đang được tòa án thụ lý giải quyết (chưa có bản án, quyết định giải quyết của tòa). Số tiền rút về, Vui, Mai không hạch toán mà chiếm đoạt, sử dụng cá nhân.

Thủ đoạn tham ô của chi cục trưởng chi cục thi hành án dân sự

Bị cáo Hoàng Thị Vui (phải) và Tạ Thị Thanh Mai

Cũng theo nội dung cáo trạng, Hoàng Thị Vui đã lợi dụng chức vụ là Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Yên Châu không ký duyệt hồ sơ để chi trả tiền thi hành án của cá nhân, tổ chức khi Chấp hành viên đề xuất. Ngày 30/6/2020, chấp hành viên Lù Văn Tâm làm giấy đề nghị chi số tiền 51,3 triệu đồng và ngày 31/12/2020, làm giấy đề nghị chi số tiền 39,2 triệu đồng. Đây là tiền thu nợ của các hộ dân phải thi hành trong vụ việc Công ty dịch vụ phát triển Chè Sơn La bị tuyên bố phá sản để chuyển vào tài khoản của Cục THADS tỉnh Sơn La tại Ngân hàng BIDV Sơn La.

Sau khi nhận được giấy đề nghị chi tiền của Chấp hành viên Lừ Văn Tâm, Tạ Thị Thanh Mai đã làm đầy đủ thủ tục để chuyển số tiền này cho Cục THADS tỉnh Sơn La theo đúng quy định nhưng Hoàng Thị Vui đã quản lý số tiền này và sử dụng cá nhân. Để che giấu hành vi chiếm đoạt của mình, Vui đã tự làm thông báo kết chuyển số tiền này lưu vào hồ sơ thi hành án.

Quá trình điều tra, Hoàng Thị Vui và Tạ Thị Thanh Mai đã thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và những vấn đề có liên quan. Để có tiền tiêu xài và sử dụng cá nhân, Hoàng Thị Vui, Tạ Thị Thanh Mai đã thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, chiếm đoạt tổng số tiền là 1,48 tỉ đồng, trong đó Hoàng Thị Vui được chia hưởng số tiền là 1,1 tỉ đồng, Tạ Thị Thanh Mai được chia hưởng số tiền là 372 triệu đồng. Sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Hoàng Thị Vui và Tạ Thị Thanh Mai đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt.

Lúc ra tòa mới nhớ tới mẹ

Đứng trước bục xét xử, bị cáo Hoàng Thị Vui bật khóc nức nở, thành thật nhận tội. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Vui trải lòng tâm sự. Cuộc đời bị cáo là chuỗi những bất hạnh, mất mát. Từ nhỏ, bị cáo thiếu vắng tình cha vì cha mẹ bị cáo ly hôn, bị cáo ở cùng mẹ. Chồng bị cáo mất sớm, bị cáo một mình nuôi con. Cũng vì ý nghĩ mong muốn có tiền để trang trải cuộc sống, để bằng bạn bằng bè mà bị cáo trượt dài trong hành vi phạm tội, tham ô tiền của nhà nước. Khi nhận thức ra hành vi sai phạm của bản thân, bị cáo đã cố gắng khắc phục toàn bộ số tiền sai phạm, nhưng bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của bản thân.

Nghẹn ngào trong tiếng khóc nức nở, bị cáo xin được lượng hình để được sớm về với gia đình, về với mẹ. Vì bị cáo biết, giờ đây mẹ của bị cáo đang gắng gượng từng ngày, đang bươn chải, làm các công việc được thuê mướn để thay bị cáo chăm lo cho 2 người con nhỏ của bị cáo. Bị cáo mong dù chỉ một ngày được về chăm mẹ, báo hiếu.

Còn với bị cáo Tạ Thị Thanh Mai, khi nghe đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án với bị cáo từ 15-16 năm tù, bị cáo Mai lặng người, sau một hồi rồi quỵ ngã, bật khóc nghẹn ngào. Bởi bị cáo không nghĩ, với hành vi phạm tội của mình, lại phải đối diện với mức án cao như vậy. Tại hội trường xét xử, hai đứa con nhỏ của Mai, đứa 8 tuổi, đứa 5 tuổi khi nhìn thấy mẹ òa lên nức nở tủi hờn, mong được mẹ ẵm bồng.

Phiên tòa khép lại, bị cáo Hoàng Thị Vui bị tuyên mức án 16 năm tù giam, Tạ Thị Thanh Mai 15 năm tù giam. Đây là cái giá đắt phải trả cho hành vi tham ô tài sản của Nhà nước.

Theo Báo CAND

Đọc thêm

Đói ăn vụng, túng làm liều

Đói ăn vụng, túng làm liều

Chỉ vì cần tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân, Nguyễn Văn Trọng (SN 1989, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bất chấp hậu quả, sa chân vào con đường bất chính…
Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Phạt thật nặng để thay đổi hành vi!

Quy định mới về xử lý người vi phạm Luật ATGT có hiệu lực thi hành được nhiều người dân đồng tình, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cho rằng, mức xử phạt quá nặng.
Khi lòng tham lấn át lý trí

Khi lòng tham lấn át lý trí

Dù trong độ tuổi lao động nhưng Phùng Hà Trang (trú ở TP Hà Tĩnh) không tu chí làm ăn, mà rẽ lối sang con đường phi pháp. Kẻ lừa đảo đã phải nhận 15 năm tù giam.
Phá chuyên án trộm cắp tài sản ở Formosa Hà Tĩnh

Phá chuyên án trộm cắp tài sản ở Formosa Hà Tĩnh

Sau gần 2 năm kiên trì, bền bỉ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Chuyên án mang bí số 2024Đ đấu tranh với các đối tượng trộm cắp tài sản tại Công ty Formosa Hà Tĩnh đã được triệt phá thành công.