Thư từ chức của cựu tổng thống Sri Lanka viết gì?

Cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa của Sri Lanka giải thích trong thư từ chức rằng ông đã làm mọi cách để đối phó với khủng hoảng kinh tế, và nguồn tiền của đất nước đã không còn bao nhiêu khi ông nhậm chức năm 2019.

Thư từ chức của cựu tổng thống Sri Lanka viết gì?

Cựu tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa - Ảnh: REUTERS

“Tôi đã đóng góp hết sức mình cho đất nước và trong tương lai tôi cũng sẽ đóng góp cho đất nước”, ông Rajapaksa viết trong bức thư được Tổng thư ký Quốc hội Dhammika Dasanayake đọc cho các nghị sĩ ngày 16-7.

Chưa rõ ông Rajapaksa có nhắc đến ý định tiếp tục tham gia chính trị trong nước hay không.

Tiếp đó, cựu tổng thống Sri Lanka khẳng định mình đã làm mọi cách để đối phó với khủng hoảng kinh tế, bao gồm mời một số nghị sĩ lập một chính phủ toàn đảng hoặc đoàn kết.

“Điều tôi thấy tự hài lòng là tôi đã có thể bảo vệ được người dân khỏi đại dịch bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế mà chúng ta phải đối mặt”, ông Rajapaksa viết tiếp.

Thực tế, ông đã bác bỏ việc phong tỏa khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên ập vào quốc gia 22 triệu dân này, thậm chí khuyên các bác sĩ rằng “đừng hoảng loạn”. Một bộ trưởng cũng tiết lộ ông đã không yêu cầu vắc xin từ nước ngoài.

Ông cũng phân minh rằng nguồn tiền của đất nước đã không còn bao nhiêu khi ông nhậm chức năm 2019 và cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự quản lý kinh tế yếu kém trước đó, đại dịch làm giảm lượng du khách và nguồn tiền của người lao động ở nước ngoài chuyển về.

Số liệu chính thức cho thấy Sri Lanka còn 7,5 tỉ USD dự trữ ngoại hối khi ông Rajapaksa nhậm chức, nhưng chỉ còn 1 triệu USD và chính thức vỡ nợ khi ông từ chức.

Quốc hội Sri Lanka chấp nhận đơn từ chức ngày 15-7 và bắt đầu nhóm họp vào ngày 16-7, để bắt đầu quá trình chọn ra nhà lãnh đạo mới sẽ cầm quyền đến hết nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, tức cuối năm 2024.

Trong thời gian lựa chọn lãnh đạo mới, dự kiến sẽ kéo dài 1 tuần, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sẽ giữ vai trò quyền tổng thống.

Trước đó, ông Rajapaksa cùng vợ rời khỏi Sri Lanka bằng máy bay không quân vào hôm 13-7 và tới Maldives trên đường đi lánh nạn để tránh làn sóng biểu tình trong nước. Sau khi đến Singapore tối 14-7, ông đã gửi đơn từ chức cho Văn phòng Quốc hội Sri Lanka.

Người dân Sri Lanka đổ lỗi cho chính quyền ông Rajapaksa đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại nước này.

Dù ông Rajapaksa đã ra đi, việc tìm giải pháp cho tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng không phải là điều dễ dàng cho chính quyền mới.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.