Thủ tướng nhắc nhiều Bộ khắc phục ngay tình trạng độc quyền

Kết luận về kết quả kiểm tra tháng 8/2017 của Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với Báo cáo của Tổ công tác và có kết luận về kết quả kiểm tra tháng 8/2017 của Tổ công tác.

thu tuong nhac nhieu bo khac phuc ngay tinh trang doc quyen

Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các bộ ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, ngày 21/8. - Ảnh: VGP

Trong tháng 8, Tổ công tác đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra chuyên đề về triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2017 tại 4 Tổng công ty gồm: Đường sắt Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Hàng không Việt Nam và 1 cuộc kiểm tra đối với các Bộ quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Còn khó khăn, phiền hà, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp

Kết quả kiểm tra cho thấy, đối với các Bộ được kiểm tra về việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các Bộ, cơ quan liên quan đã nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ giao tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP.

Đến nay, các Bộ đã thực hiện 64 nhiệm vụ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg; còn 34 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Tổ công tác đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần quyết liệt, cầu thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã thành lập ngay Tổ công tác của Bộ trưởng để đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTCN, đặc biệt Bộ Công Thương đã đề nghị được Tổ công tác kiểm tra Bộ ngay trong tháng 9; biểu dương đối với các Bộ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ giao, gồm: Khoa học và Công nghệ; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như tình trạng một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện nhiều thủ tục, KTCN của nhiều Bộ (tỷ lệ mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chiếm khoảng 58%).

Phương pháp quản lý, kiểm tra chưa theo chuẩn mực quốc tế dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, hầu hết hàng hóa (khoảng gần 100.000 nghìn mặt hàng) phải KTCN đều thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu trong quá trình thông quan với tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp (dưới 0,1%); không thực hiện công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa các nước, nhất là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước phát triển.

Với các tồn tại, hạn chế nêu trên, dẫn đến tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan chưa giảm nhiều, vẫn ở mức 35% (mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP, giảm xuống còn 15%), gây khó khăn, phiền hà, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14,3 nghìn tỉ đồng để thực hiện các quy định, thủ tục về KTCN…

Tại cuộc kiểm tra, các Bộ đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác KTCN của Bộ mình với tinh thần cầu thị và cam kết với Tổ công tác sẽ khẩn trương khắc phục.

Giảm tối đa số lượng hàng phải kiểm tra

Trong thời gian tới, các Bộ cần khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật đã được giao tại các Nghị quyết 19 và Quyết định 2026/QĐ-TTg; việc sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực, không xung đột, chồng chéo, khắc phục triệt để tình trạng một mặt hàng phải thực hiện nhiều thủ tục, chịu sự KTCN của nhiều đơn vị thuộc một Bộ hoặc của nhiều Bộ khác nhau.

Các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương rà soát, công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện phải KTCN kèm theo mã số HS thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ mình, bao gồm cả danh mục hàng hóa bắt đầu thực hiện từ năm 2018 theo hướng không chồng chéo danh mục giữa các Bộ, giảm tối đa số lượng hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15% đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19/NQ-CP.

Các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương hoàn thành việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với danh mục hàng hóa thuộc diện phải KTCN khi nhập khẩu ở khâu thông quan để thuận lợi trong việc áp dụng quản lý rủi ro.

Quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, rút gọn quy trình, thủ tục, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện và thời gian thực hiện thủ tục KTCN; kiên quyết cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục, quy trình, giấy tờ KTCN không cần thiết, không hợp lý, nhằm cắt giảm thời gian, chí phí liên quan đến hoạt động KTCN. Đồng thời, công bố công khai quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, phương thức KTCN đối với từng mặt hàng; xây dựng và công bố công khai tiêu chí quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của từng Bộ.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước và công nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa giữa các nước, nhất là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước phát triển.

Chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận kiểm tra chất lượng). Thay bằng việc chỉ định duy nhất một đơn vị đánh giá sự phù phù hợp, các Bộ khẩn trương rà soát, chỉ định bổ sung nhiều đơn vị đánh giá sự phù hợp để tạo thuận lợi giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẩn trương thực hiện việc hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm; bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm như hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu…; quy định cụ thể tại Nghị định việc công bố của doanh nghiệp, hạn chế tối đa các hướng dẫn của các Bộ về vấn đề này; thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo Thủ tướng tại Thông báo số 321/TB-VPCP ngày 21/7/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Khắc phục triệt để tư tưởng bao cấp, độc quyền

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra; phải mạnh dạn thay đổi tư duy, khắc phục triệt để tư tưởng bao cấp, độc quyền của ngành đường sắt; có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để thay đổi mô hình quản lý, đổi mới công tác quản trị, tạo đột phá trong kinh doanh, tái cơ cấu theo hướng năng động, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường, cơ chế tự chủ của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế...

Đối với 3 Tổng công ty thuộc ngành Hàng không, cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ chưa hoàn thành theo đúng yêu cầu, không để phát sinh nhiệm vụ quá hạn. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị hơn nữa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí gián tiếp để giảm giá vé, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng tỷ suất lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Theo Hà Chính/chinhphu.vn

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.