Thủ tướng sốt ruột với hơn 5.000 "giấy phép con"

“Giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và nhấn mạnh, “Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ”.

Thủ tướng nhấn mạnh nội dung này khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, ngày 3/8, sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận về các biện pháp giảm phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trên cơ sở rà soát đề xuất giảm mức phí, Bộ Tài chính đã có công văn ngày 31/7 báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

thu tuong sot ruot voi hon 5 000 giay phep con

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, một số thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng báo cáo của Bộ Tài chính chưa nêu được bức tranh tổng thể về chi phí của doanh nghiệp và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo căn cơ hơn.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, còn các loại chi phí trong các lĩnh vực như giấy phép xây dựng, chi phí lao động, vốn, tiếp cận thị trường..., cần có cái nhìn tổng quan hơn.

Đặc biệt, Bộ trưởng nêu rõ theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con).

Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.

“Kiến nghị Thủ tướng giao thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát toàn bộ các lĩnh vực khác, ngoài các lĩnh vực mà Bộ Tài chính đã chuẩn bị. Từ đó giảm cả chi phí chính thức và phi chính thức”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%.

“Các Bộ trưởng cần quyết tâm triển khai cái này, nhất là các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải. Có bộ đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được. Nếu làm được, các chuyên gia ước tính có thể giảm được hàng chục nghìn tỷ chi phí cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phát biểu.

2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc giảm lãi suất vừa qua và các kết quả mà Bộ Tài chính báo cáo là rất thiết thực với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn... Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn.

Trong khi đó, cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%... Theo Thủ tướng, đây là việc cần nghiên cứu, trao đổi lại.

Cùng với đó, chi phí vận tải, logistic còn cao. Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... tuy có giảm nhưng giảm rất chậm. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đồng tình cao với kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng nhấn mạnh rằng “giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.

“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế, nhất là các biện pháp giảm tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục. NHNN đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng.

Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục không gặp trực tiếp, tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương đầu quý IV/2017 có báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đưa năm 2017 là năm giảm chi phí doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, các bộ, cơ quan đã có động thái giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan tới các loại phí. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành 16 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí tại 29 trạm thu phí BOT.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết UBND thành phố Hải Phòng đã rà soát việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng và đang xin ý kiến để báo cáo HĐND Thành phố điều chỉnh giảm mức thu phí đối với hàng xuất, nhập khẩu lô lẻ.

Liên quan kiến nghị của doanh nghiệp về phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 305 năm 2016 của Bộ Tài chính cho phù hợp với thực tế.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI khi sắp xếp bộ máy

Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI khi sắp xếp bộ máy

Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang NGHỈ HƯU TRƯỚC TUỔI khi sắp xếp bộ máy Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang nghỉ hưu trước tuổi trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Hà Tĩnh với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946

Hà Tĩnh với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức thành công. Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đã chuẩn bị rất khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ.
Hà Tĩnh được vinh danh tại Giải báo chí Diên Hồng

Hà Tĩnh được vinh danh tại Giải báo chí Diên Hồng

Từ hơn 4.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) năm 2024, ban giám khảo chấm chọn 105 tác phẩm đạt giải. Hà Tĩnh vinh dự có 1 tác phẩm của nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh đạt giải; Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh được nhận bằng khen tập thể xuất sắc.
Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025 với yêu cầu phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Hà được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, nhiệm kỳ 2021-2026.
Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Năm 2025 về trong niềm tin và kỳ vọng! Cùng cả nước bước vào năm mới, một năm với nhiều sự kiện trọng đại; đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Hà Tĩnh quyết tâm vượt mọi khó khăn; đổi mới, sáng tạo, bứt phá mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục thắp sáng khát vọng vươn xa trên hành trình mới.