Chiều 6/1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc KBNN tỉnh Phan Đình Tý, Cục trưởng Cục Thuế Đinh Nho Hậu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Điểm cầu Hà Tĩnh.
Năm 2016, toàn ngành Tài chính đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính – ngân sách nhà nước mà Quốc hội, Chính phủ đề ra; điều hành quyết liệt thu, chi, giữ bội chi NSNN trong phạm vi cho phép; quản lý tích cực nợ công theo hướng từng bước cơ cấu lại nâng cao tính bền vững; công tác quản lý, điều hành giá cả đã góp phần tích cực kiểm soát lạm phát; chủ động hội nhập tích cực, tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực và quốc tế; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời tạo niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước…
Đến ngày 31/12/2016, thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách địa phương đạt 118,6% dự toán. Tuy nhiên, tiến độ thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương đạt thấp do giá dầu giảm và tác động bất lợi khi tham gia các hiệp định thương mại tự do; trong điều hành phát sinh nhiều nhu cầu chi ngân sách lớn cả Trung ương và địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo QPAN…
Nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua trong năm 2017 là 1.212,18 nghìn tỷ đồng, dự toán chi ngân sách đạt 1.390,48 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2017, có 11 giải pháp được lên khung thực hiện như triển khai tốt Luật Ngân sách nhà nước 2015; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính; triển khai quyết liệt thu ngân sách; quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2016 chồng chất khó khăn đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả nước đã vượt qua khó khăn nhờ sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng của toàn đảng, toàn dân. Ngành Tài chính với những kết quả toàn diện, tích cực đã góp phần hoàn thành công tác chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế toàn quốc nói chung trong năm vừa qua.
Trên cơ sở phân tích những hạn chế mà ngành Tài chính còn gặp phải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn ngành phải nhìn thẳng sự thật, thay đổi tư duy, cách làm để triển khai nhiệm vụ.
Theo đó, ngành cần xây dựng chương trình cụ thể để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về điều hành tài chính – ngân sách, phát triển kinh tế; tăng cường quản lý hóa đơn, gian lận thương mại, trốn lậu thuế; chỉ đạo thu ngân sách ngay từ đầu năm, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời; kiểm soát tốt nợ công, tái cơ cấu đầu tư công…
Tại địa bàn Hà Tĩnh, do các khoản thu ngân sách đưa vào cân đối không đạt theo dự toán được giao, hụt thu ngân sách khá lớn nên việc điều hành ngân sách gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tổng thu ngân sách đạt 7.577 tỷ đồng (bao gồm thu nội địa, thuế XNK và thu để lại chi quản lý qua ngân sách), bằng 71% dự toán Bộ Tài chính giao, 51% dự toán HĐND tỉnh giao; chi ngân sách đạt 11.316 tỷ đồng, bằng 84% dự toán HĐND tỉnh giao. Theo đánh giá, trong điều kiện thu khó khăn nhưng chi ngân sách vẫn đảm bảo đủ nguồn cho các khoản chi đầu tư phát triển, các hoạt động hành chính sự nghiệp, chính sách an sinh xã hội, QPAN… Năm 2017, mặt bằng ngân sách sẽ được tính lại và Hà Tĩnh vẫn là tỉnh được hưởng trợ cấp ngân sách Trung ương (trên 50%). Do vậy, tỉnh xác định phải cơ bản đảm bảo thu để chi ngân sách, cân đối để thực hiện các chính sách trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, tiết kiệm các khoản chi ngân sách, vay thương mại… |