Thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Hà Tĩnh

Lãnh đạo Sở Công Thương và huyện Hương Khê chứng kiến đại diện sàn thương mại điện tử Voso.vn tại Hà Tĩnh và HTX sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng ký kết hợp đồng liên kết cung cấp, tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch.

Theo đó, Sở NN&PTNT chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp, sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm; bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng; hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn tập trung vào các sản phẩm lúa gạo, chè, thủy sản; chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam;

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu triển khai các chính sách của Chính phủ (nếu có) hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19; phối hợp các Tổ công tác của Bộ NN&PTNT, Sở Công Thương để kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Công thương Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn sau COVID-19. Chủ trì xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Cục, Vụ, Viện của Bộ Công Thương để nắm các thông tin về các quy định xuất khẩu/nhập khẩu nông sản của các nước trên thế giới, quy định phòng chống dịch tại các cửa khẩu, cảng biển... để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn biết, thực hiện.

Cung cấp thông tin thị trường, tăng cường quảng bá, tiêu thụ nông sản thông qua các kênh xúc tiến thương mại, dịch vụ, kết nối cung cầu, nhất là thương mại điện tử; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 303/KH-UBND ngày 20/8/2021 của UBND tỉnh về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu theo các cấp độ của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tình hình mới; phối hợp Sở Y tế hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị...

Thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Hà Tĩnh

Sản phẩm cam Vũ Quang được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan đảm bảo không để ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản và di chuyển lao động liên tỉnh, liên huyện nhưng phải bảo đảm an toàn và cấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chủ động phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong cả nước để cập nhật tình hình quản lý người, phương tiện lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn người dân và các phương tiện trong tỉnh lưu thông, tiêu thụ nông sản ra các tỉnh, thành phố khác.

Chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ chủ xe, lái xe giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ ngành về lưu thông hàng hóa.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất thực hiện các quy định về phòng, chống dịch hiệu quả; xây dựng, hướng dẫn về phòng bệnh COVID-19 ở vùng xanh, giữa các vùng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp (trường hợp phát sinh dịch COVID-19 trên địa bàn). Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân lực hoạt động trong thu hoạch, chế biến, lưu thông và xuất khẩu nông sản; kịp thời tham mưu giải quyết ngay khi có các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nhất là đầu tư nâng cấp hạ tầng, kho bãi tại các cửa khẩu và hạ tầng chế biến nông sản tại các địa phương.

Sở Tài chính phối hợp Sở NN&PTNT và các địa phương liên quan triển khai các chính sách khi Chính phủ ban hành về hỗ trợ giống (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Ngân hàng nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các chính sách, chương trình tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay...;

Khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Triển khai có hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán hàng hóa qua giao dịch điện tử trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức tín dụng bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.

Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với lao động tại các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, bảo đảm lực lượng lao động tại các địa phương khi phục hồi sản xuất. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và có điều chỉnh phù hợp.

Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu; tăng cường kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống.

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

UBND các huyện, thành phố, thị xã Phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công thương và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nông sản đảm bảo lưu thông, không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn;

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động; vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách làm hay, mô hình hiệu quả vào thực tế địa phương; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh, Sở Y tế để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh;

Tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.