CPI tháng 11 tăng do giá thực phẩm tăng cao

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 4,52% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,5% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, CPI bình quân 11 tháng của năm 2016 tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước.

cpi thang 11 tang do gia thuc pham tang cao

Giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của tình hình mưa lũ

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng với mức tăng như giao thông tăng 1,63%; thuốc và dịch vụ y tế 0,9%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống 0,49%; nhà ở và vật liệu xây dựng 0,49%; may mặc, mũ nón, giầy dép 0,24%... Trong khi đó, nhóm giáo dục không thay đổi so với tháng trước, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) được TTXVN dẫn lời cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 11/2016 là do nhóm thực phẩm tăng khá mạnh với mức 0,71% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng. Đặc biệt, giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, miền Nam làm sản lượng rau xanh giảm.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 ở tỉnh Hải Dương bao gồm chi phí tiền lương của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính nên góp phần đưa chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 1,15%.

Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào các ngày 20/10, ngày 4/11 và giảm vào ngày 19/11, nhưng bình quân giá xăng dầu tháng 11 tăng 3,69% so với tháng trước góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,15%. Giá vé ô tô khách tăng 0,15% và giá taxi tăng 0,02%.

Từ ngày 1/11, giá gas điều chỉnh tăng 19.000 đồng/bình 12 kg do giá gas nhập khẩu trong tháng 11 tăng 60 USD/tấn, chốt giá ở mức 415 USD/tấn làm cho chỉ số giá gas tăng 6,07% so với tháng trước.

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên, cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 11/2016 như giá điện sinh hoạt giảm 0,51% do vào mùa mưa nên nhu cầu sử dụng điện giảm; giá thịt lợn giảm ở một số tỉnh do dịch lợn tai xanh nên người tiêu dùng hạn chế sử dụng.

Hơn nữa, tháng 11 đã qua mùa du lịch nên giá tour du lịch các loại giảm 0,13%. Cũng trong tháng 11, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới giảm chủ yếu do đồng USD tăng giá và khả năng Mỹ tăng lãi suất trong tháng 12 tới... Theo đó, bình quân giá vàng trong nước tháng 11/2016 dao động quanh mức 3.540.000 đồng/chỉ vàng SJC.

Ngoài ra, tỉ giá VND/USD tháng này gần như ổn định, xoay quanh ngưỡng 22.388 VND/USD. Diễn biến tỉ giá trong nước khá ổn định do cách điều hành tỉ giá trung tâm và lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào của NHNN. Trong khi đó, đồng USD trên thế giới tăng lên so với các đồng tiền chủ chốt khác khi số liệu kinh tế Mỹ khả quan và đồng nhân dân tệ giảm giá, nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 tới.

Tổng cục Thống kê đánh giá, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11/2016 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ. Nếu tính 11 tháng so với cùng kỳ 2015, lạm phát cơ bản tăng 1,82%.

Trong tháng 11, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, mà cụ thể là do giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Mức tăng của lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Tổng cục Thống kê dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2016 tăng cao hơn ở mức tăng CPI tháng 11 do nhu cầu tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết nên giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, giày dép, đồ dùng cá nhân sẽ tăng…

Theo VGP News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast