Dịch viêm da nổi cục được khống chế, thị trường thịt bò ở Hà Tĩnh “ấm” trở lại

(Baohatinh.vn) - Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được khống chế, đặc biệt nhiều dịch vụ được mở cửa trở lại nên thị trường thịt bò ở Hà Tĩnh đang “ấm dần”.

Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương ở chợ Vườn ươm - TP Hà Tĩnh đã bán thịt bò trở lại gần 2 tháng nay, song sức mua chỉ mới nhộn nhịp từ tuần trước khi hàng quán, trường học được hoạt động trở lại.

Dịch viêm da nổi cục được khống chế, thị trường thịt bò ở Hà Tĩnh “ấm” trở lại

Chị Nguyễn Thị Lan phấn khởi khi sức mua thịt bò tăng cao.

Chị Lan cho hay: “Trước đây, sức mua của người dân kém nên tôi chỉ dám nhập về từ 10 – 15 kg/thịt bò mỗi ngày. Hiện nay, tôi đã bán ra từ 50 - 60 kg thịt bò/ngày. Sức mua tăng song giá cả vẫn ổn định. Theo đó, thịt bò cỏ loại 1 có giá 250.000 đồng/kg, loại 2 là 200.000 đồng/kg; thịt bò lai loại 1 có giá 220.000 đồng/kg, loại 2 là 180 ngàn đồng/kg…”

Tại siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, những ngày gần đây, sức mua mặt hàng thịt bò đã tăng mạnh so với trước.

Chị Nguyễn Thị Thơ – Nhân viên hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò được kiểm soát, siêu thị đã bán thịt bò trở lại trong mấy tháng nay song sức mua còn hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Hiện nay, nhiều hoạt động, dịch vụ trên địa bàn đã được mở cửa trở lại, nhu cầu thị trường lớn hơn nên siêu thị đã chủ động tăng nguồn hàng nhập vào để phục vụ đủ nhu cầu của người dân".

Dịch viêm da nổi cục được khống chế, thị trường thịt bò ở Hà Tĩnh “ấm” trở lại

Nhân viên siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cân thịt bò để giao cho khách hàng.

Không chỉ TP Hà Tĩnh, hiện nay, tiểu thương buôn bán ở các chợ trong tỉnh đều phấn khởi nhập thêm hàng khi thị trường thịt bò đang dần “ấm lên”.

Bà Nguyễn Thị Phong (tiểu thương ở chợ Nghèn – Can Lộc) cho hay: “Tôi đã bán hàng trở lại mấy tháng nay song sức mua chưa đáng kể, chỉ dám nhập về 20 – 30 kg thịt bò mỗi ngày. Hiện nay, nhịp sống diễn ra trong trạng thái bình thường mới nên chúng tôi đã bán được nhiều thịt hơn với số lượng khoảng 70 – 80 kg/ngày. Hy vọng thời gian tới dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt để tình hình kinh doanh, buôn bán của chúng tôi ngày càng khởi sắc”.

Dịch viêm da nổi cục được khống chế, thị trường thịt bò ở Hà Tĩnh “ấm” trở lại

Sức mua tăng song giá thịt bò ở Hà Tĩnh vẫn ổn định.

Theo lý giải của các tiểu thương, nguyên nhân chính khiến nhu cầu sử dụng thịt bò gia tăng là bởi Hà Tĩnh hiện đã hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn thịt bò cho thực đơn bữa ăn gia đình.

Hơn nữa, hiện nay hàng quán đã được đón khách trực tiếp; thêm vào đó các trường học cũng hoạt động trở lại và một số trường học đã tổ chức ăn bán trú cho học sinh nên đã kéo theo sự sôi động của mặt hàng thịt bò.

Dịch viêm da nổi cục được khống chế, thị trường thịt bò ở Hà Tĩnh “ấm” trở lại

Hàng quán được đón khách trực tiếp đã kéo theo sự sôi động của mặt hàng thịt bò.

Bà Nguyễn Thị Mai - Chủ nhà hàng tại phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Từ tuần trước, chúng tôi đã được mở quán đón khách trực tiếp nên nhu cầu sử dụng thịt bò để chế biến các món ăn như: phở bò, bún bò, cơm rang dưa bò, mỳ xào bò... tăng cao. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nhịp điệu kinh doanh buôn bán đang dần trở lại bình thường nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Thị trường thịt bò dần sôi động, nhiều cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn đã bắt đầu gia tăng lượng bò sống nhập về để phục vụ kinh doanh.

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) đã trở lại giết mổ bò được vài tháng nay song số lượng tiêu thụ còn ít, khoảng 2 - 3 con/ngày. Hiện nay, sức tiêu thụ thịt bò tăng, cơ sở này giết mổ khoảng 8 - 10 con/ngày. Đây là tín hiệu tích cực đối với chủ lò mổ lẫn các tiểu thương.

Dịch viêm da nổi cục được khống chế, thị trường thịt bò ở Hà Tĩnh “ấm” trở lại

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần giết mổ.

Ông Trương Hữu Hà - Chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về vận chuyển, giết mổ gia súc. Đặc biệt, quá trình kiểm tra sức khỏe gia súc, kiểm soát giết mổ luôn có sự giám sát của cán bộ kiểm dịch. Theo đó, bò được nhập về và lưu lại để kiểm tra lâm sàng các dấu hiệu về sức khỏe, nguồn gốc, sau đó mới tiến hành giết mổ. Tiểu thương khi lấy thịt được xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ để chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra, để phòng chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi khuyến cáo tiểu thương thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K của Bộ Y tế khi đến lò mổ giao, nhận hàng; tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần giết mổ”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast