Thưởng Tết 2024 có thể tăng so với cùng kỳ

Số lao động có việc làm trong quý III/2023 đạt 51,3 triệu người, theo Tổng cục Thống kê. Trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, sau 1 năm làm việc, hầu hết người lao động đều hy vọng có khoản tiền lương, thưởng cao để có một kỳ nghỉ Tết ấm no, hạnh phúc.

Thưởng Tết 2024 có thể tăng so với cùng kỳ

Người lao động tìm kiếm việc làm dịp cuối năm 2023. Ảnh: Hạnh Xuyến

Cứ tăng là mừng

Với thâm niên 20 năm làm việc tại một công ty kinh doanh văn phòng phẩm, mức lương hiện tại của chị Trần Hải Yến khoảng 14-15 triệu đồng/tháng. Càng gần cuối năm, chị Yến càng lo lắng về các khoản thu nhập để lo cho gia đình.

Là nhân viên kinh doanh, ngoài tiền lương cơ bản, chị Yến sẽ nhận được khoản tiền từ doanh thu bán hàng. Năm 2023, chị Yến và đồng nghiệp nhận khoản tiền Tết ở mức khá: Tiền thưởng Tết Dương lịch của chị là 1 triệu đồng, tiền thưởng Tết Âm lịch khoảng 12 triệu đồng, chưa tính tiền lương cơ bản tháng 13.

“Tôi hy vọng tiền thưởng Tết bằng năm ngoái, chưa dám mong nhiều hơn” - chị Yến bộc bạch.

Anh Nguyễn Như Luân là kỹ sư cơ khí ở một công ty sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Hơn 1 năm qua, anh Luân nhận mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Theo nam kỹ sư, mức lương này là ổn so với một sinh viên ra trường không lâu. Đây cũng là thời gian để anh cố gắng trau dồi kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều kỹ năng, hoàn thiện bản thân.

Theo các đồng nghiệp làm việc lâu năm tại công ty, anh Luân được biết tiền thưởng Tết dành cho vị trí kỹ sư là khoảng 20 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty sẽ có các hình thức hỗ trợ người lao động dịp Tết như: Tổ chức xe miễn phí đưa công nhân về quê; tặng hiện vật như gạo, bánh chưng...

Anh cũng chia sẻ thêm, trong năm 2023, các khoản thưởng đều đặn được công ty chăm lo khiến người lao động vô cùng phấn khởi.

“Tôi nghĩ thưởng Tết năm nay có thể nhiều hơn. Anh chị em hay nói vui với nhau cứ tăng là vui rồi” - anh Luân chia sẻ.

Do tính chất công việc đặc thù, anh Luân thường xuyên tăng ca. Những ngày cuối năm cũng không ngoại lệ, anh phải làm thêm vì khối lượng công việc dày đặc. Nghĩ tới tiền lương tháng thứ 13 và thưởng Tết, anh càng có thêm động lực làm việc.

“Thưởng Tết năm nay có thể tăng”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cho biết, đối với khoản thưởng Tết theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể được nhận tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác theo quy chế đã công bố của doanh nghiệp.

Song, doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động trong mọi trường hợp. Khoản thưởng được đưa ra căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

“Pháp luật không quy định cụ thể về việc doanh nghiệp phải chi trả lương tháng 13 cho người lao động. Nhưng nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về lương tháng 13 trong hợp đồng lao động hoặc ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể thì doanh nghiệp bắt buộc phải chi trả khoản tiền trên” - bà Hương chia sẻ.

Theo ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục đã làm công văn trình Bộ liên quan đến yêu cầu lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết 2024 của doanh nghiệp đối với người lao động.

Dự kiến thời hạn báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động trước ngày 25.12, tương tự năm ngoái. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đưa ra thông tin cụ thể. Song, Phó Cục trưởng cũng thông tin thêm: “Tình hình kinh tế năm nay tốt hơn nên lương, thưởng của người lao động có thể tăng nhưng tăng mức nào thì chưa biết”.

Theo Lao động

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.