Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc vào sáng 18/10 tại Bắc Kinh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội là bầu ra các Uỷ viên Trung ương đảng. Sau đó, Ban chấp hành Trung ương sẽ bầu Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị.
Tại Trung Quốc, quyền lực tối cao nằm ở Ban thường vụ Bộ Chính trị, nơi tập trung những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất. Hoạt động của Ban thường vụ cho đến nay vẫn là một bí mật.
Chủ tịch Tập Cận Bình, tổng bí thư và là "lãnh đạo hạt nhân" của Trung Quốc, là "nhân vật số 1 trong những nhân vật ngang bằng" của Ban thường vụ. Ảnh: AFP. |
Cánh cửa đóng kín
Theo South China Morning Post, Ban thường vụ hoạt động theo nguyên tắc "lãnh đạo tập thể" và mỗi thành viên trong Ban thường vụ đều có phiếu bầu ngang nhau. Dù vậy, vì được xem là "người đầu tiên trong số những cá nhân bằng nhau", tổng bí thư có quyền triệu tập cuộc họp và sắp xếp nghị trình.
Cơ chế lãnh đạo thông qua Ban thường vụ xuất hiện sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976. Đầu thập niên 1980, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cố gắng thể chế hóa cơ chế ra quyết định thông qua sự đồng thuận của nhóm lãnh đạo để ngăn ngừa sự độc tài.
Cơ cấu Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18. Đồ họa: Hiền Đức. |
Mục tiêu của các cuộc họp này luôn là tìm kiếm sự đồng thuận. Nếu không thể, số đông sẽ chiến thắng. Một khi quyết định đã được ra, tất cả các thành viên sẽ tuân thủ theo. Những bất đồng hiếm khi được thể hiện công khai. Theo BBC, lần gần nhất mà các lãnh đạo trong Thường vụ Bộ Chính trị bất đồng nhau công khai là vào năm 1989.
Thường vụ BCT hiện tại chỉ có 7 thành viên, chỉ cần 4 người có cùng ý kiến thì 3 người còn lại sẽ phải phục tùng quyết định tập thể.
Theo cuốn sách của Cai Dingjian, học giả chuyên nghiên cứu hiến pháp, Bộ Chính trị họp 1 lần/tháng trong khi Thường vụ BCT họp kín hàng tuần. Tân Hoa xã thường có bản tin về kết quả các cuộc họp của Bộ Chính trị nhưng hiếm đưa tin về hoạt động của Thường vụ.
Vào thời cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thường vụ Bộ Chính trị có 9 người. Khi đó, Hu Angang, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, nói rằng hệ thống chính trị của Trung Quốc tốt hơn của Mỹ vì Trung Quốc có "9 chủ tịch" để đưa ra những quyết định sáng suốt.
Thường vụ Bộ Chính trị của Trung Quốc tìm kiếm sự đồng thuận và không một cá nhân nào được phép thay mặt tập thể. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Quy tắc "bất thành văn"
Thường vụ Bộ chính trị khóa 18 gồm 7 người, dù vậy, không có quy định cụ thể cho con số này. Số lượng và những gương mặt được bầu vào Ban thường vụ khóa 19 sẽ được giấu kín đến phút cuối. Trong Đại hội đảng vào năm 2012, người ta chỉ biết được số lượng thành viên bị giảm từ 9 xuống 7 vào những phút cuối cùng trước khi công bố, dựa trên 7 mảnh giấy đánh dấu vị trí đứng của 7 thành viên mới.
The Diplomat cho rằng số lượng thành viên Thường vụ Bộ Chính trị thay đổi vào mỗi đợt chuyển giao thế hệ (năm 2002, 2012) nhưng giữ nguyên trong cùng thế hệ. Dựa trên tiền lệ này, Thường vụ khóa này được cho sẽ tiếp tục có 7 người.
Biểu ngữ chào mừng đại hội đảng trên xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Để trở thành thành viên Ban thường vụ, một người thường phải có nhiệm kỳ Bộ Chính trị khoá trước đó. Ngoại lệ hiếm hoi trực tiếp bước vào Thường vụ mà không kinh qua nhiệm kỳ Bộ Chính trị nào là ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào năm 2007 tại ĐH Đảng lần thứ 17.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2012-2017 gồm các ông Tập Cận Bình (64 tuổi), Lý Khắc Cường (62 tuổi), Trương Đức Giang (70 tuổi), Du Chính Thanh (72 tuổi), Lưu Vân Sơn (70) tuổi), Vương Kỳ Sơn (69 tuổi), Trương Cao Lệ (70 tuổi).