Hạnh phúc gia đình chỉ bền vững khi cả vợ lẫn chồng chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Ảnh Internet
Là một tiểu thương buôn bán quy mô nhỏ, tuy chưa phải là khá giả nhưng thu nhập của chị Trần Thị Hồng (thị trấn Đức Thọ) cũng đủ để trang trải cho sinh hoạt thường nhật của gia đình. Chính vì thế, chị chẳng bao giờ yêu cầu chồng hàng tháng phải đưa lương. Hàng ngày, chị muốn chi tiêu mua sắm thứ gì và ngược lại, chồng chị muốn sử dụng thu nhập của anh như thế nào cả hai đều khá thoải mái. Tuy nhiên, chị Hồng không ngờ rằng, sự thoải mái đó đã tạo nên tính ỷ lại và ăn tiêu hoang phí của chồng.
Không phải hỗ trợ vợ nuôi nấng con cái nên chồng chị mặc sức tiêu pha. Anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tiết kiệm để vun vén cho gia đình. Ngược lại, làm được bao nhiêu tiền anh nướng vào ăn chơi, nhậu nhẹt hết. Và, cũng chính từ trong những cuộc nhậu ấy, anh quen với một nhóm bạn không tốt. Rồi cũng không biết từ bao giờ anh rơi vào nợ nần. Cho đến khi số nợ lên đến tiền tỉ thì anh mới tá hỏa và buộc phải thú nhận với vợ. Ân hận thì đã muộn, chị Hồng đành phải ra tối hậu thư rằng sẽ ly hôn nếu anh không tự giải quyết được rắc rối của mình.
Những kế hoạch, dù nhỏ cũng cần phải có sự bàn bạc thống nhất của 2 vợ chồng thì gia đình mới êm ấm. Ảnh Internet
Cũng lựa chọn cách độc lập kinh tế giữa hai vợ chồng mà gia đình anh Trần Quốc Thành (TP Hà Tĩnh) suýt tan vỡ. Đều là những người có công việc thời thượng, thu nhập “khủng” nên vợ chồng anh Thành không ai phụ thuộc vào ai. Mọi chi tiêu trong gia đình hầu như hai vợ chồng rất ít khi bàn bạc. Cũng chính vì thiếu sự bàn bạc, thống nhất mà đầu năm nay, vợ anh “dính” vào một thương vụ khiến gia đình anh suýt “tán gia bại sản”.
Do thiếu kinh nghiệm, lại dễ dàng tin người nên chị Hạnh vợ anh đã dốc hết vốn liếng tiết kiệm được để chung vốn làm ăn. Thậm chí, chị còn vay mượn bạn bè để đầu tư thêm. Tuy nhiên, việc làm ăn sớm đổ bể và người làm ăn chung với chị cũng ôm hết tiền của chị “cao chạy xa bay”. Biết chuyện, anh Thành đã rất buồn nhưng cũng tự trách mình, ngay từ đầu đã không đặt ra nguyên tắc trong gia đình.
Khi cả hai cùng nhìn về một hướng thì hạnh phúc gia đình mới thực sự trọn vẹn. Ảnh Internet
Nếu như ngay từ đầu gia đình anh chị có một nguyên tắc và giữa anh chị luôn có sự thống nhất, bàn bạc trong những việc liên quan đến tài chính thì mọi chuyện đã không như vậy. Cũng may là sự việc chưa đến mức dính dáng đến pháp luật, nếu không hạnh phúc gia đình anh tan vỡ là chuyện một sớm một chiều.
Trong một gia đình hiện đại, nhất là những gia đình trẻ, sự độc lập về kinh tế là cần thiết nhưng luôn phải có chừng mực và cần phải có nguyên tắc. Ở phạm vi nào thì vợ hoặc chồng có quyền tự quyết định và ở phạm vi nào thì cần phải bàn bạc, thống nhất ý kiến với nhau. Có như thế thì những sự việc đáng tiếc mới không xẩy ra và hạnh phúc gia đình mới được bảo toàn.