Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh sẽ không chi tiền in mới có mệnh giá dưới 10.000 đồng ra thị trường trong dịp Tết nguyên đán tới.
Ông Trần Hữu Cần - quyền Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Hà Tĩnh cho biết: “Trong những năm qua, chủ trương không in mới tiền mệnh giá nhỏ trong dịp tết của NHNN Việt Nam đã thực sự tạo chuyển biến trong quản lý tiền tệ, giúp tiết kiệm ngân sách. Ở Hà Tĩnh, từ 1/12/2020 đến 31/3/2021, chi nhánh đã không chi tiền mới nguyên seri có mệnh giá dưới 10.000 đồng ra thị trường; đối với loại có mệnh giá 20.000 đồng in mới thì chỉ chi cho Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn”.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thị trường Hà Tĩnh bị khan hiếm tiền lẻ, tiền có mệnh giá nhỏ. Suốt từ tháng 4 đến tháng 11/2020, Chi nhánh NHNN tỉnh đã cung ứng đều đặn và đầy đủ số lượng, cơ cấu tiền mệnh giá nhỏ từ nguồn điều chuyển của NHNN Việt Nam cho nền kinh tế. Đây cũng là giải pháp giảm áp lực cho các tổ chức tín dụng và người dân vào dịp cuối năm.
Tiền lẻ trong các hệ thống ngân hàng tại Hà Tĩnh vẫn đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả cho khách hàng
Đến thời điểm này, Chi nhánh NHNN vẫn cung ứng đủ số lượng, cơ cấu các loại mệnh giá tiền đủ điều kiện lưu thông cho các tổ chức tín dụng để phục vụ thanh toán, chi trả lương, phục vụ mua - bán hàng hóa dịp tết Nguyên đán và chi tiêu trong đời sống của người dân.
Nguyên nhân khiến tăng nhu cầu đột biến tiền lẻ - tiền mới ở giai đoạn giáp tết một phần là do nhu cầu lưu thông tiền mặt nói chung tăng cao, mặt khác, xuất phát từ thói quen của người dân, dùng tiền lẻ, tiền mới để mừng tuổi lấy may, hoặc đi đền, chùa vào năm mới.
Vào dịp sát tết Nguyên đán, ngoài đảm nhiệm vai trò trong lưu thông tiền tệ thì tiền lẻ còn phục vụ nhu cầu “lì xì” của người Việt
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức “chốt” phương án sẽ tiếp tục chủ trương không in tiền mới mệnh giá nhỏ ra thị trường trong dịp tết Tân Sửu tới. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, NHNN Việt Nam thực hiện chủ trương này, nhằm siết chặt quản lý loại tiền mệnh giá nhỏ. Đồng thời, góp phần thay đổi tư duy, thói quen của người dân, không quá nặng nề với định kiến phải có tiền mới mừng tuổi hay dùng tiền vào mục đích tâm linh, cầu khấn lễ chùa đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Thi ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh cho hay: “Khi nhiều người cùng xóa bỏ tư tưởng tiền mới - tiền cũ thì tôi cũng không quá nặng nề về quan niệm cũ nữa. Chúng tôi vừa được nhận 2 tháng lương hưu liên tiếp để giúp người dân mua sắm tết. Trong hơn 8 triệu đồng thì tôi thấy đủ các loại tiền từ mệnh giá 200 - 500 nghìn đồng đến các loại tiền lẻ 2.000 - 5.000 đồng”.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích hoạt động thanh toán trực tuyến nhằm giảm áp lực tiền mặt trong những ngày cuối năm
Tất nhiên, cao điểm đột biến của tiền lẻ - tiền mới chỉ thực sự bắt đầu trong khoảng 7 - 10 ngày tới. Tuy theo nhận định của ngành chuyên môn, nhu cầu thực sự cho “lì xì” ở Hà Tĩnh không quá lớn nhưng hệ lụy đi kèm chính là xuất hiện tình trạng lợi dụng tình hình nhận đổi tiền hưởng chi phí chênh lệch, tạo hiện tượng khan hiếm “giả”.
Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng một mặt tuyệt đối không để thiếu tiền mặt, đồng thời quản lý chặt mục đích lưu thông của tiền lẻ, nhằm hạn chế tối đa các hành vi trục lợi, kinh doanh tiền tệ ngoài hệ thống các tổ chức tín dụng và làm “méo mó” sự lành mạnh của đồng tiền.
Bên cạnh đó, khuyến khích các hoạt động thanh toán trực tuyến, giảm áp lực cho các ngân hàng ngày cuối năm và tăng cao lưu thông thông suốt, an toàn, hiệu quả.