Tiền mất, nợ mang khi gặp phải "siêu lừa"

(Baohatinh.vn) - Tin tưởng mối quan hệ quen biết để rồi cho vay số tiền lớn, nhiều người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh rơi vào cảnh đứng ngồi không yên khi “giao trứng cho ác”.

Nhiều tháng trôi qua, bà N.T.L. (SN 1956, trú phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) ăn không ngon, ngủ không yên khi toàn bộ số tiền 500 triệu đồng đưa cho Hoàng Thị Bình (SN 1986, trú tổ dân phố Lam Thủy, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) vay, có nguy cơ mất trắng.

Năm 2022, gia đình bà L. bắt đầu khởi công xây dựng nhà ở. Quá trình thi công, bà đặt mua vật liệu xây dựng (VLXD) tại Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Giang Nam - HT (gọi tắt là Công ty Giang Nam) có địa chỉ tại tổ dân phố Lam Thủy, thị trấn Tiên Điền nên có quen biết Hoàng Thị Bình - kế toán của công ty. Ngày 5/7/2022, Bình đến nhà bà L. đặt vấn đề vay tiền kinh doanh VLXD và hứa hẹn sẽ trả trong thời gian 1 tuần.

Để tạo lòng tin với bà L., Bình cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất có diện tích 948,9 m2 tại tổ dân phố Liên Sơn, phường Kỳ Liên (TX Kỳ Anh) của vợ chồng và thỏa thuận sẽ trả theo lãi suất ngân hàng. Tin tưởng, bà L. đồng ý và giao cho Bình 500 triệu đồng tiền mặt. Sau khi nhận được tiền, Bình đã mua VLXD trả cho khách hàng khác và dùng vào việc trả nợ.

Tương tự, anh T.V.C. (SN 1972, trú thị trấn Tiên Điền) cũng bất an khi hơn 188 triệu đồng đưa cho Bình khó có khả năng lấy lại.

Tiền mất, nợ mang khi gặp phải siêu lừa

Một trong những nạn nhân của Bình trình bày tại phiên toà.

Sau khi ký hợp đồng và được Bình cam kết sẽ cung cấp đầy đủ VLXD, ngày 21/1/2022, anh C. đã đặt cọc 350 triệu đồng. Tuy vậy, Bình chỉ cung cấp vật liệu cho anh C. tương ứng với số tiền gần 162 triệu đồng.

Trường hợp của bà L. và anh C. cũng là tình cảnh chung của 149 hộ dân còn lại trên địa bàn huyện Nghi Xuân và TP Vinh (Nghệ An). Do mối quan hệ quen biết với Bình, nhiều người sẵn sàng cho thị vay tiền. Bình đã đưa ra chiêu lừa mua VLXD với giá rẻ, kèm theo khuyến mãi tặng quà nếu đặt tiền cọc trước, nhận hàng sau, khiến nhiều người sập bẫy. Bên cạnh đó, một số bị hại bị lừa góp vốn kinh doanh VLXD, lừa vay tiền để đầu tư, kinh doanh, vay tiền đặt cọc giữ giá VLXD... và hứa hẹn sẽ trả lãi suất cao.

Tiền mất, nợ mang khi gặp phải siêu lừa

Hành vi lừa đảo của Hoàng Thị Bình khiến hàng trăm nạn nhân ở Nghệ An, Hà Tĩnh lao đao.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Bình không sử dụng vào việc nhập vật liệu về trả cho khách, mà dùng để trả nợ, trả lãi, lấy tiền của khách hàng mua vật liệu sau trả cho khách hàng trước. Đến đầu tháng 7/2022, nhiều người không được trả nợ cũng như không được cung cấp vật liệu, không liên lạc được với Bình thì mới vỡ lẽ.

Theo kết quả điều tra và xác minh của cơ quan chức năng, chỉ hơn 1 năm (từ cuối tháng 5/2021 đến đầu tháng 7/2022), Hoàng Thị Bình đã thực hiện hành vi lừa đảo 151 bị hại trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, chiếm đoạt tổng số tiền gần 125 tỷ đồng. Hiện nay, Bình không có khả năng trả lại tiền cho người bị hại.

Tại phiên xét xử sơ thẩm Hoàng Thị Bình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” diễn ra trong 2 ngày (25 và 26/9), rất đông bị hại và người nhà đã có mặt để theo dõi. Gương mặt của các bị hại thất thần. Đa số họ đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi phải vay mượn anh em, họ hàng nhưng đến nay không biết xoay xở cách nào để trả. Các nạn nhân bày tỏ nguyện vọng sớm được khắc phục một phần thiệt hại.

Điều đáng nói, trong tổng số 151 bị hại của Bình, có đến 8 người sau đó cũng đã thành... bị cáo. Sau khi nghe Bình đặt vấn đề cần vay tiền với lãi suất cao, 8 người này đã gật đầu đồng ý. Với lãi suất từng lần vay cao hơn 5 lần mức cao nhất theo quy định, chỉ sau một thời gian ngắn, 8 chủ nợ đã thu lợi bất chính từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng.

Tiền mất, nợ mang khi gặp phải siêu lừa

8 bị cáo phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” của 8 bị cáo đã vô tình tiếp tay cho Hoàng Thị Bình lừa đảo.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của Hoàng Thị Bình đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Kết thúc phiên xử, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Bình mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, Bình có trách nhiệm bồi thường dân sự cho các bị hại hơn 105,1 tỷ đồng và sung công quỹ gần 28,8 tỷ đồng.

Hành vi phạm tội của Bình đã rất rõ ràng. Song, trong vụ án này, lỗi cũng một phần từ các bị hại khi chưa hiểu rõ động cơ của Bình đã cho thị vay mượn số tiền lớn; số khác vì hám lợi, nghe theo lời Bình đưa ra về mức giá ưu đãi, về quà tặng khuyến mãi nên mất ý thức cảnh giác.

Đối với 8 bị cáo còn lại, đã lần lượt chịu mức án phạt từ phạt tiền 50 triệu đồng tới mức cao nhất là 24 tháng tù giam cùng hình phạt bổ sung tương ứng với số tiền cho vay. Đây cũng là kết cục đắt giá cho những ai đã và đang có ý định làm giàu bất chính!

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.