Tiếng hát át tiếng bom

(Baohatinh.vn) - Có thể kẻ thù nắm được "cán xoong Quân khu 4”, eo thắt cổ chai Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) với địa thế hiểm trở, địa hình phức tạp, địa chất yếu gây bất lợi cho ta trong việc mở đường tránh, chống lầy, vượt suối, vượt sông… nhưng kẻ thù không thể biết được, chúng ta có một thứ “vũ khí bí mật” mà không bom đạn nào hủy diệt được, đó là “tiếng hát át tiếng bom”.

Đồng Lộc - điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ năm 1968. (Ảnh tư liệu).

Có những điều chẳng ai nói ra, nhưng thâm tâm phải thú thực rằng, nếu chỉ đi một mình thì chẳng dám ra Đồng Lộc bom như khoai, đạn như trấu vãi thời đó. Song, cả một rừng người vừa đi, vừa hát “Em đi san rừng, em đi bạt núi, em như con suối nước chảy không ngừng” thì chẳng ai còn sợ chết mà dù có chết cũng là cái chết vẻ vang. Đó là tâm trạng chung một đoạn đời tuổi trẻ được sống và chiến đấu bên những anh hùng Ngã ba Đồng Lộc.

Tôi nhớ những năm 1965, 1966… máy bay Mỹ vãi bom tọa độ từ Bến Thủy đến Đèo Ngang (quốc lộ 1) đến những tọa độ lửa Địa Lợi, ngầm Lộc Yên, Khe Ác, Khe Mơ, La Khê, Tân Đức (quốc lộ 15). Tôi làm cán bộ kỹ thuật Đại đội 551-N55-P18 nhưng không bận bịu bằng sáng tác thơ ca, hoạt cảnh, tấu, hò và cả biên đạo múa cho đội văn nghệ đơn vị biểu diễn phục vụ chính mình và Nhân dân nơi đơn vị đóng quân. Vì thế C1 (tên gọi tắt Đại đội 551) đi đến đâu tiếng hát theo đến đó. Các hoạt cảnh dân ca tôi viết bao giờ cũng lồng vào địa danh hoặc tên tuổi lịch sử của địa phương nơi đóng quân nên Nhân dân rất ưa thích, từ đó, họ càng yêu quý, giúp đỡ chúng tôi.

Lực lượng TNXP làm nhiệm vụ thông đường tại Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 1967, Đội TNXP - N55 - P18 thành lập đội văn nghệ xung kích với việc lựa chọn những diễn viên xuất sắc của 8C (đại đội) điều lên. Đó là những con chim sơn ca: Hồng Thế, Đặng Tý, Minh Toàn, Diệu Lan, Mai Lan, Hồng Chinh, Mỹ Dung, Ái Liên, Bích Phương, Xuân Châu (nữ), Nguyễn Bính Khiêm, Lai, Hòa, Viết, Lý, Nghĩa, Hậu, Phương, Hợi, An và Bình Nhưỡng (nam). Riêng Bình Nhưỡng, Mai Lan, Diệu Lan được mọi người khen: Họ “hát như đài”.

Đội trưởng Nguyễn Bính Khiêm (lính C1) quê xã Xuân Hội (Nghi Xuân) được chọn đi học 6 tháng đạo diễn của Ty Văn hóa về, là “hai lúa” về bộ phận nghiệp vụ thanh nhạc, vậy mà, anh đã “dọa” Bí thư Đoàn Tổng đội N55 rằng: Không điều Thanh Bính (tức Yến Thanh sau này) lên đội thì chúng tôi lấy tiết mục đâu mà nuôi sống đội văn nghệ.

Bính Khiêm đặt hàng tôi viết cái gì tôi viết cái đó. Cần thơ có thơ, cần hoạt cảnh dân ca, kịch nói, tấu nói, tấu lô tô, vè giặm... có ngay! Thậm chí tôi còn biên đạo múa một vài tiết mục. Cũng may hồi hoạt động văn nghệ ở quê có được đi học múa 3 tháng do Ty Văn hóa mở. Chúng tôi có những tiết mục được giải qua các kỳ hội diễn tỉnh, Quân khu 4, Bộ Giao thông Vận tải như: hoạt cảnh “Con đường và tấm khăn lụa” hay bài thơ “Ngã ba tên em”. Riêng bài thơ “Cúc ơi!”, lúc đó tôi không công bố. Ngoài ra, những bài thơ như “Tiếng hát tháng 7”; “Tên em là Nguyễn Thị Thanh Niên Xung Phong”; kịch nói “Trước ngày đi cầm súng”, múa “Bắt sống giặc lái”; tấu nói “Tâm sự lính cầu đường”, lô tô “Con voi hai vòi”… cũng từ đội văn nghệ tỏa xuống cả 7C thành tiết mục “Cây nhà lá vườn“của từng C một. Có những đêm diễn, ngoài các ca khúc phổ biến như:”Cô gái mở đường“(Xuân Giao),”Vui mở đường“(Đỗ Nhuận),”Bài ca giao thông vận tải“(Hoàng Vân),”Tôi người lái xe“(Anh Chung),”Đường Trường Sơn xe anh qua" (Văn Dung)… còn lại là tiết mục do Thanh Bính sáng tác.

Một cảnh trong MV “Cúc ơi” của NSƯT Tố Nga. (Ảnh: Internet).

Chưa hết, trừ ban đêm đi hiện trường, ban ngày, ngoài nhiệm vụ chuyên môn ra, tôi còn sáng tác câu hò (cả đối, đáp) rồi đưa cho Bính Khiêm phân công các diễn viên nam nữ học thuộc để đêm ra hiện trường làm hạt nhân xúc tác phong trào “tiếng hát át tiếng bom”. Còn tôi, nếu ban ngày mò xuống các C thì được các O (cô) ở các tiểu đội mời về lán vẽ gối, vẽ khăn thêu và không quên dặn dò: “Anh vẽ cho em đôi bồ câu quặp mỏ nhau” và dưới viết dòng chữ: “Hẹn anh ngày ấy…” hoặc: “Chờ nhé, ngày thống nhất…”…

Nhá nhem tối, các đơn vị dàn quân suốt từ cống 19 (xã Phú Lộc) vào tận Khe Út, Khe Giao (xã Mỹ Lộc, Sơn Lộc). Mỗi tiểu đội làm cách nhau tối thiểu 30m để đảm bảo an toàn khi địch oanh tạc. Thời điểm này là lúc “Giặc lái đang dùng bữa tối ngoài hạm đội 7” (theo cách nói đùa của thanh niên xung phong) và đó cũng là khoảng lặng kinh người. Các A không nhìn thấy nhau, các O không sợ bom đạn nhưng lại “sợ ma” nên im thin thít đẩy xe, san lấp hố bom, chống lầy… Chính lúc ấy, tôi cất tiếng hò:

(Ơ… hò...) Xưa kia ai biết ai đâu

Vì chung đánh Mỹ gặp nhau nơi này

Em ơi đâu phải ban ngày

Hò lên một tiếng để anh biết ngay em nào?

Hai câu sau là tôi thêm vào để “kích động”. Hàng trăm tiếng cười, tiếng hét con gái rộ lên: “Thanh Bính, Thanh Bính”.

Sau đó là một giọng nữ cao cất lên từ hiện trường C2:

(Ơ hò...) Ra đi mang nặng lời thề

Đánh tan giặc Mỹ, em về cưới anh

Lại một trận cười, vỗ tay nữa râm ran.

Tôi hò tiếp:

(Ơ hò…)

Ra đi mẹ đã dặn rồi

Làm sao lấy được một người như em

Lại một giọng nữ khác từ C7 (mạn cầu Tối) đáp lại:

(Ơ hò…)

Thương anh răng nỏ muốn thương

Nước thì muốn chảy nhưng mương chưa đào

Anh về lo liệu làm sao

Khơi mương cho nước lọt vào lòng mương.

Tôi đã đi xa dần, vẫn còn nghe tiếng hàng trăm cô gái đuổi theo “thua chưa? thua chưa?” thách thức.

Hoạt cảnh Tiểu đội 4, Đại đội 552 TNXP Đồng Lộc quây quần, kể cho nhau nghe câu chuyện về gia đình, tình yêu trong những lúc hiếm hoi được nghỉ (hoạt cảnh nằm trong Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”, diễn ra tối 23/7/2022).

Tôi nhớ, những đêm được tháp tùng anh Trần Quang Đạt (lúc này là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh - kiêm Trưởng ban Đảm bảo Đồng Lộc) đi kiểm tra tình hình, anh vui đùa, khôi hài động viên các đơn vị từ pháo cao xạ, dân quân trực chiến, công binh, lái xe, bộ đội, các tổ máy gạt, công nhân giao thông, thanh niên xung phong. Gần sáng, anh em chúng tôi mới trở về. Cũng chính lúc đó, trên các ngả đường tỏa về 7 xã thượng Can, hàng nghìn thanh niên xung phong, công nhân, lái xe, công an, bộ đội tan tầm ra về tấp nập. Những tiếng hò giã bạn lại vang lên trên mọi ngả đường nghe lưu luyến, vấn vương:

(Ơ… hò…) Ra về răng được mà về

Cầm tay nhau lại mà đề câu thơ

Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ

Thêm câu chống Mỹ bao giờ em quên...

Thế mà… đã 55 năm. Mỗi lần nhớ về Đồng Lộc lại nhớ về TNXP - quãng đời đẹp nhất của tuổi trẻ không mang theo được. Nhớ những cô Tấm, khi nghe tiếng còi đại đội trưởng vang lên, vội chui ra từ vỏ thị, người rà phá bom, người san lấp hố bom, chống lầy, hộ tống xe hoặc mở đường tránh, đường mới, tay làm, miệng hát. Ấy thế mà, lúc tan tầm lại “chui vào vỏ thị” khóa kín tình riêng rực cháy trong lòng. Rồi đem gối ra thêu, học bổ túc văn hóa, tập văn nghệ hoặc chìm đắm vào những bức thư màu xanh…

Vâng, có một thời chúng tôi đã sống và hát như thế!

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói