Lịch sử hào hùng
Thành Sơn Phòng, xã Phú Gia - nơi Vua Hàm Nghi từng đóng quân.
Huyện Hương Khê được thành lập vào cuối năm Đinh Mão (tháng 11/1867) gồm 5 tổng (Quy Hợp, Chu Lễ, Phương Điền, Phúc Lộc, Hương Khê) được tách ra từ huyện Hương Sơn. Trước khi thành lập, lịch sử đã ghi nhận Hương Khê 3 lần trở thành căn cứ địa chống quân xâm lược của nhà Lý, nhà Lê và của quân nhà Trần.
Trong đó, những năm 1425 - 1426, Lê Lợi sau khi tự xưng là Bình Định Vương đã lấy vùng đất Hương Khê (khi đó là huyện Đỗ Gia) lập căn cứ chống nhà Minh. Năm 1789, Nhân dân Hương Khê tham gia cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh giặc Thanh.
Dấu chân của những người lính “áo vải cờ đào” đã tiếp nối truyền thống yêu nước của người dân Hương Khê trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời kỳ chống Pháp, Vua Hàm Nghi đã từng đóng quân tại thành Sơn Phòng, xã Phú Gia. Tại đây, năm 1885, Tôn Thất Thuyết thay mặt nhà vua xuống chiếu Cần Vương lần 2 kêu gọi sỹ phu cả nước đứng dậy chống Pháp. Cũng thời kỳ đó, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Phan Đình Phùng lập căn cứ chống Pháp ở Hương Khê (nay là Vũ Quang) suốt 12 năm.
Di tích Đền Cây Chay - nơi gắn liền với sự kiện cuộc biểu tình Rôộc Cồn (xã Phú Phong) năm 1931 của Đảng bộ và Nhân dân Hương Khê (ảnh tư liệu).
Đến năm 1930, Đảng bộ Hương Khê chính thức được thành lập, các tổ chức quần chúng cũng lần lượt ra đời. Hưởng ứng phong trào cách mạng, Nhân dân Hương Khê tiến hành mít tinh kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười. Sau đó quần chúng đã đi thị uy các nơi, đốt điếm canh do địch dựng lên dọc đường, trừng trị một số cường hào gian ác…
Đỉnh điểm, năm 1931, máu của nhiều đảng viên và quần chúng nhân dân đã đổ xuống trong cuộc biểu tình Rôộc Cồn (xã Phú Phong). Đây là cuộc đấu tranh tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, ngoan cường của Đảng bộ, Nhân dân Hương Khê trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Đến năm 1947, khi quân Pháp đánh mạnh các tỉnh phía Nam ra Huế, từ Lào sang Quảng Trị, vùng Hương Khê được Ủy ban Hành chính Trung Bộ chọn làm an toàn khu và trở thành căn cứ địa của hậu phương từ năm 1947 - 1952. Nơi đây trực tiếp sản xuất vũ khí chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên và Trung, Hạ Lào; đồng thời cũng là cơ sở thuộc Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ.
Xây dựng quê hương từ muôn vàn gian khó, đến nay, Hương Khê đang khởi sắc từng ngày.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường giao liên Trường Sơn Đông đi dọc Hương Khê vào Quảng Bình nối liền đường 559 rầm rập bước chân của nhiều đoàn quân ra trận. Hương Khê nổi tiếng với phà Địa Lợi, hầm Lộc Yên, căn cứ Bộ Chỉ huy Binh đoàn 559 cùng hình ảnh “O du kích nhỏ giương cao súng”...
Từ trong chiến tranh, Hương Khê đã ghi dấu lịch sử hào hùng, cùng Nhân dân cả nước đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngày mới nhiều đổi thay
Những hố bom, bãi mìn ngày xưa nay đã thay bằng những vườn cây ăn quả trù phú.
Sau khi sạch bóng quân thù, người dân Hương Khê bắt tay vào xây dựng lại quê hương từ muôn vàn gian khó. Những hố bom, bãi mìn ngày xưa nay đã được phủ xanh với những vườn cây ăn quả trù phú. Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát huy lợi thế vườn đồi.
Nhiều công trình quan trọng, cấp bách được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần vào sự phát triển chung của huyện.
Về thăm lại Hương Khê, câu chuyện giữa chúng tôi với Bí thư Huyện ủy Lê Ngọc Huấn xoay quanh sự năng động với những bứt phá trong phát triển KT-XH. Cuộc sống của người dân Hương Khê đang trên đà khởi sắc. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 15,1%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,7 triệu đồng/năm (bình quân chung của tỉnh là 36 triệu đồng).
Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 107 triệu đồng/ha. Có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 75 khu dân cư kiểu mẫu, 830 vườn mẫu đạt chuẩn. Đặc biệt, Hương Trà là 1 trong 2 xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Từ làng trên xóm dưới, đi đến đâu chúng tôi đều cảm nhận được sự năng động của người dân trong phát triển kinh tế. Hầu như địa phương nào cũng có những mô hình vườn đồi, trang trại tiền tỷ. Vườn tạp, đồng hoang cũng được cải tạo để trồng cây cam, bưởi Phúc Trạch đặc sản.
Hương Khê đang tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất hướng tới xây dựng thành công huyện nông thôn mới (Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao mô hình nông nghiệp ứng dụng KHKT ở Hương Khê).
Đặc biệt, những năm gần đây, hệ thống đường giao thông, cầu cống, công trình thủy lợi ngày càng được xây dựng hiện đại. Đường quốc lộ, liên tỉnh rải nhựa phẳng lỳ, đường liên thôn bê tông rộng rãi, hai bên hàng rào xanh mướt.
Kế thừa những thành quả đạt được trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của con người và vùng đất Hương Khê, Bí thư Huyện ủy Lê Ngọc Huấn chia sẻ: Huyện sẽ tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, sớm đưa Hương Khê trở thành huyện NTM.