Trưa 20/9, tại dốc Truông Bụt, quốc lộ 15A, đoạn qua xã Hà Linh (Hương Khê) xuất hiện tình trạng sạt lở khiến nhiều khối lượng đất, đá đổ xuống mặt đường. Ngay sau đó, lực lượng công an giao thông, chính quyền và người dân địa phương đã di dời khối lượng đất, đá sạt lở. Tuy nhiên, theo quan sát, vách núi Truông Bụt tiếp tục xuất hiện các vết nứt, có nguy cơ xảy ra sạt lở trong trường hợp thời tiết tiếp tục diễn biến xấu.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng – Đội phó Đội Tuần tra, kiểm soát đường bộ số 3, Phòng CSGT Hà Tĩnh cho biết: "Chúng tôi đã bố trí cán bộ, chiến sỹ trực 2 đầu điểm sạt lở, đồng thời phối hợp với Hạt Quản lý đường bộ Khe Giao lắp đặt biển cảnh báo từ xa. Việc khắc phục chỉ tạm thời do khu vực này chưa đảm bảo an toàn. Sau mưa lớn, chúng tôi sẽ phối hợp để xử lý, khắc phục. Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông cùng tổ chức tuần tra, canh gác 24/24h dọc quốc lộ 15A và đường mòn Hồ Chí Minh để phát hiện kịp thời các điểm có nguy cơ sạt lở để đặt biển cảnh báo, điều tiết giao thông".
Tại thôn Thượng Sơn, xã Điền Mỹ, tình trạng sạt lở cũng xảy ra tại khu vực đồi bà Tính, gần sát với hộ anh Nguyễn Văn Thìn. Sự việc xảy ra vào chiều ngày 19/9, đến nay, khối lượng đất, đá sạt lở ước khoảng 800m3, đổ sát tường nhà dân.
Nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra, đánh giá và vận động gia đình anh Thìn sơ tán đến nơi an toàn. Ông Hoàng Xuân Tần – Bí thư, Chủ tịch xã Điền Mỹ cho biết, hiện nay gia đình anh Thìn đã được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn có thêm 2 khu vực khác có nguy cơ sạt lở, hiện người dân đã được di dời đến nơi tạm trú mới. Trên địa bàn xã còn 3 điểm bị ngập cục bộ, sâu khoảng từ 50cm - 80cm trên tuyến đường các thôn Thượng Sơn, Trung Thành và đường liên thôn 1. Các điểm ngập đã được cắm biển cảnh báo nguy hiểm và cấm lưu thông.
Tại xã biên giới Hương Lâm, mưa lớn cũng khiến nước lũ trên các khe, suối lên nhanh và gây ngập cục bộ nhiều tuyến đường, cầu cống. Ở thôn 12, lũ đã cuốn trôi 1 cây cầu tạm, chia cắt 3 hộ dân.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hương Khê, tổng lượng mưa đo tại Trạm Khí tượng thị trấn Hương Khê từ 8h ngày 17/9 đến 13h ngày 20/9 là 366,5mm; mực nước đo tại Trạm Thủy văn Chu Lễ lúc 13h ngày 20/9 là 11,44m, dưới báo động 1 là 0,06m.
Mưa lũ khiến nhiều đoạn đường, cầu cống bị ngập cục bộ như: Cầu thôn 9 (xã Hương Đô); đường qua tràn đập Làng, đập Khe Á, cầu tràn Rộc ông Ý (xã Hương Bình); đường giao thông tại thôn 1, Thượng Sơn, Trung Thành (xã Điền Mỹ); cầu tràn tại thôn Yên Bình, Hương Yên (xã Lộc Yên); tuyến đường ra vùng Côn Đảo, thôn Thượng Hải (xã Gia Phố); đường HL87 từ QL15 đi xã Phúc Trạch; đường thôn 8, thôn 10 (xã Hà Linh); cầu tràn đập Úc (xã Hương Xuân); cầu Thọ Phượng, cầu mới đi thôn 7,8, đường HL2, đoạn qua thôn 7, 8 (xã Hương Thủy); cầu Rào, đoạn qua thôn 5, (xã Phú Phong); đường HL2, đoạn qua xã Hương Giang…
Nhiều công trình hạ tầng bị xói lở, hư hỏng như: đường từ đường mòn Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Hương Thủy; đường vào xã Hương Lâm, bờ sông tại các xã Hương Xuân, Hương Đô, Hà Linh; Quốc lộ 15A, đoạn qua xã Hà Linh; cầu dân sinh tại thôn 3, xã Hương Lâm.
Ghi nhận vào chiều tối ngày 20/9, hầu hết các địa phương ở Hương Khê đã ngớt mưa; nước lũ trên sông Ngàn Sâu qua các xã vùng thượng huyện có xu hướng giảm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của thiên tai, trước đó, ngày 19/9, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh đã ký ban hành Công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 4 và tình hình mưa, lũ trên địa bàn. Theo đó, đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ để thông báo kịp thời đến tận người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; chủ động triển khai các phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, triển khai sơ tán dân tại các vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với thời gian ngập lụt kéo dài; tổ chức kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn qua sông, suối, các tuyến đường bị ngập lụt để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn.
Triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, hồ đập, công trình xây dựng; nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.
Tiếp tục triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, nhất là đối với các hồ xung yếu, không đảm bảo an toàn như: Hồ Khe Cọi (xã Hà Linh); hồ Khe Du (xã Hương Thủy); hồ Khe Cáo (xã Phúc Đồng); hồ Khe Vạng (xã Hương Liên); hồ Khe Ruộng (xã Hương Đô);...; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư nhất là khu vực thường bị lũ, ngập lụt, khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng ứng phó.