Lãnh đạo Sở Tư pháp chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh
Qua thực tiễn thi hành cho thấy, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 với những nội dung nổi bật như: Nâng độ tuổi kết hôn của nữ từ 17 lên 18 tuổi, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận... đã tạo đột phá về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Luật đã giành được sự đồng thuận cao từ xã hội trong nhận thức, xây dựng và áp dụng, nhất là các quy định về quyền kết hôn; quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản giữa vợ và chồng; xác định cha, mẹ, con, quyền, nghĩa vụ nhân thân giữa các thành viên trong gia đình; cơ chế pháp lý về bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người yếu thế.
Quá trình triển khai thi hành Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của luật được chú trọng thực hiện, với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, gần gũi với người dân.
Đặc biệt, những chính sách lớn của Luật Hôn nhân gia đình về các quyền nhân thân, tài sản trong quan hệ hôn nhân và gia đình đã được thể chế hóa tương đối đầy đủ, tạo sự thống nhất và đồng bộ hơn của hệ thống pháp luật về hôn nhân gia đình...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong 3 năm triển khai thực hiện Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như: Trong một số nội dung vẫn chưa phân tách rõ thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính nhà nước với tòa án; chưa có cơ chế thẩm quyền trong trường hợp phụ nữ, trẻ em, người yếu thế bị xâm phạm quyền hôn nhân và gia đình...
Từ thực trạng trên, các ý kiến đề xuất các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa đầy đủ quy định, nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình; tiếp tục xem xét, lồng ghép các chính sách, quy định bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Hôn nhân và gia đình với các văn bản pháp luật điều chỉnh, góp phần bảo đảm tính khả thi của Luật trong đời sống.
Tin liên quan: