Tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục trong xây dựng pháp luật

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.

Toàn cảnh hội nghị từ Hội trường Diên hồng - Nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 3/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, các đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương và các sở, ngành liên quan cùng dự.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Kết luận số 19-KL/TW là cơ sở để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp

Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật (XDPL) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo đó, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV với mục tiêu: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra”.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, đặt yêu cầu cao về chất lượng; lấy quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; bám sát và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Các cơ quan, tổ chức phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác XDPL, hoàn thiện thể chế. Chính phủ và các bộ, ngành phải khẩn trương tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị; các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, nhất là các cơ quan Trung ương tập trung, sớm triển khai Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương trong công tác XDPL.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV phải thực hiện 137 nhiệm vụ lập pháp

Đại biểu tiếp tục nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.

Theo đó, ngày 1/10/2021, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Đề án) do Đảng đoàn Quốc hội chuẩn bị.

Đề án xác định định hướng tổng thể công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV là "Tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và các địa biểu tham dự hội nghị.

Dự thảo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra yêu cầu trước 30/11/2021, các cơ quan, tổ chức cần ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và đề án.

Trên cơ sở 137 nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, dự thảo kế hoạch xác định yêu cầu, phân công trách nhiệm và tiến độ cụ thể đối với việc tổ chức nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh dự hội nghị.

Dự thảo kế hoạch cũng quy định rõ thời điểm các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả nghiên cứu, rà soát. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng kế hoạch, đề án, phân công tổ chức thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp bảo đảm thực hiện định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tiếp đó, đại diện Chính phủ đã trình bày tham luận về “Dự kiến kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và đề án; các giải pháp bảo đảm thực hiện Đề án”.

Các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào định hướng chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị: Để đảm bảo thực hiện tốt Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác XDPL, hoàn thiện thể chế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị.

Tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để tăng tính hiệu quả trong XDPL; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan đối với công tác lập pháp.

Quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh... cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là làm tốt công tác chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo, lấy ý kiến góp ý; đặc biệt quan tâm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích nhóm.

Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác lập pháp; coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải coi việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Vì vậy, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cần kịp thời chỉ đạo, triển khai.

Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các vị ĐBQH tỉnh cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu, tìm tòi, góp ý vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết nhằm tăng tính hiệu quả đối với công tác XDPL...

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói