Tiểu thương chợ lớn nhất Hà Tĩnh thận trọng nhập hàng Tết

(Baohatinh.vn) - Dù sắp bước vào đợt cao điểm kinh doanh hàng Tết song nhiều tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh vẫn thận trọng trong việc nhập hàng bởi sức mua giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn.

Gần 30 năm kinh doanh tại chợ TP Hà Tĩnh, bà Trần Thị Tùng (chủ quầy hàng vàng mã Tùng Ninh) đã quen với việc "đon" thời điểm nhập hàng Tết để phục vụ nhu cầu khách hàng. Dù vậy, hơn 2 năm trở lại đây, tình hình mua bán tại khu chợ lớn nhất Hà Tĩnh ế ẩm, sức mua giảm khiến nhiều tiểu thương dè dặt trong việc nhập hàng.

Bà Tùng chia sẻ: “Nhiều năm trước, cứ khoảng đầu tháng 11 âm lịch là hàng Tết đã được bày bán tấp nập. Lượng hàng hoá nhập về lên tới hàng trăm triệu đồng, tôi phải thuê thêm nhân viên để phụ bán. Năm nay, nhận thấy thị trường trầm lắng, lượng khách mua giảm khoảng 40% nên tôi vẫn chỉ bán hàng dự trữ, chưa vội nhập hàng với số lượng lớn”.

Lượng hàng dự trữ nhiều, bà Tùng chưa vội nhập hàng Tết.

Cũng theo bà Tùng, việc thận trọng nhập hàng Tết là tình trạng chung của nhiều quầy hàng vàng mã tại chợ TP Hà Tĩnh. Nguyên nhân do ngày càng có nhiều cửa hàng, phương thức mua bán với các dịch vụ đa dạng, tiện lợi hơn như: vận chuyển hàng tại nhà; gói hàng, thiết kế mẫu mã theo yêu cầu... Hiện tại, lượng khách mua tại chợ truyền thống giảm đáng kể, chủ yếu là khách quen.

“Dự kiến đầu tháng Chạp, tôi sẽ nhập thêm một số sản phẩm như: bộ áo giấy, nến thơm, bộ thần tổ, ông Táo… Năm nay, có nhiều mẫu mã mới, đa dạng hơn, song tôi cũng chỉ nhập lượng hàng vừa đủ, bằng khoảng 50% so với năm ngoái, phòng trường hợp hàng tồn kho quá nhiều” – bà Tùng cho biết.

Ông Quế tự tay cắm các bình hoa với nhiều mức giá nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tiết kiệm chi phí.

Tại quầy hàng hoa vải, hoa nhựa Lý Quế (chợ TP Hà Tĩnh), thời điểm này, các mặt hàng tết đã được bày bán, tuy nhiên, lượng khách mua chưa nhiều. Ông Hồ Văn Quế - chủ quầy hàng chia sẻ: “Từ đầu tháng 12 dương lịch, tôi đã nhập khoảng 50 triệu tiền hàng với các sản phẩm như hoa lụa, hoa cao su… để bán Tết, lượng hàng này chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái. Hiện, tôi vừa bày bán, vừa khảo sát nhu cầu của khách hàng, đối với các mặt hàng "bán chạy" sẽ sớm bổ sung”.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều quầy hàng hoa lụa tại chợ TP Hà Tĩnh chọn nhập về các cành hoa lẻ, bình gốm, phụ kiện… và cắm theo nhu cầu của khách hàng. “Nếu nhập nguyên bình sẽ rất khó bán do giá cao, trong khi người tiêu dùng ngày càng siết chặt chi tiêu. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn tự thiết kế mẫu mã với đa dạng mức giá từ 50.000 – 800.000 đồng/sản phẩm, phù hợp với túi tiền của người dân. Hiện tại, lượng khách mua vẫn rất ít, hy vọng đến giữa tháng 12 Âm lịch, mặt hàng này sẽ dễ tiêu thụ hơn” – ông Quế chia sẻ.

Các sản phẩm đồ gia dụng, gốm sứ được kỳ vọng sẽ tiêu thụ nhiều trong dịp Tết.

Theo khảo sát, hiện các quầy hàng như gia dụng, quần áo, giày dép, bánh kẹo… đã “rục rịch” chuẩn bị hàng Tết, cập nhật các sản phẩm mới, song phần lớn tiểu thương chỉ nhập một lượng hàng nhỏ, không dự trữ quá nhiều. Nhiều tiểu thương cho biết, các sản phẩm này thường có tính thời vụ nên cần tính toán phù hợp, tránh tình trạng tồn hàng, khó tiêu thụ sau Tết.

Bà Trần Thị Hoa – chủ cửa hàng đồ gia dụng (Chợ TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cửa hàng của tôi chuyên bán các sản phẩm đồ gia dụng, gốm sứ nhập từ Hà Nội, Sài Gòn… Mọi năm, từ đầu tháng 11 Âm lịch, tôi đã nhập hàng tết để bán nhưng năm nay chỉ mới bày bán một vài mẫu ấm chén, khay đựng hoa quả… để thăm dò nhu cầu của khách hàng. Nhiều năm trở lại đây, việc buôn bán tại chợ kém sôi động, giá cả khó cạnh tranh được với các kênh bán hàng trực tuyến, vì vậy, năm nay tôi cũng chỉ nhập một lượng hàng đủ bán, không “ôm” hàng như các năm trước”.

Lượng khách mua giảm, bà Hoa (áo đỏ) thận trọng khi nhập hàng Tết.

Hiện nay, chợ TP Hà Tĩnh là khu chợ truyền thống lớn nhất toàn tỉnh với khoảng 2.300 quầy hàng và hơn 1.800 hộ kinh doanh. Thực tế, tình trạng buôn bán tại chợ truyền thống đã kém sôi động trong nhiều năm trở lại đây, do người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn trong việc tiếp cận các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm…

Nhiều tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh kỳ vọng, sang tháng Chạp, thị trường mua bán hàng Tết sẽ sôi động hơn, góp phần tăng trưởng doanh thu dịp cuối năm.

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, năm nay, các tiểu thương có sự tính toán, chuẩn bị trong việc nhập hàng phục vụ thị trường Tết. Lượng hàng hoá nhập vào được cân đối để vừa đảm bảo nguồn cung cho thị trường, vừa tránh tình trạng hàng tồn kho, khó tiêu thụ.

Để giúp quá trình mua sắm của người dân được thuận lợi, an toàn trong dịp tết Ất Tỵ, thời điểm này, Ban Quản lý chợ đã tăng cường công tác tuyên truyền về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, yêu cầu các tiểu thương kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp.

Ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng Ban quản lý chợ TP Hà Tĩnh

Chủ đề Thị trường Tết

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói