Những tháng cuối năm, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tập trung ở một số mặt hàng thiết yếu, sản phẩm sửa chữa, trang trí nhà cửa. Bên cạnh triển khai các hoạt động bình ổn giá, khuyến mãi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn đã dự trữ hàng hóa với nguồn hàng tăng cao, nhiều mẫu mã, chủng loại, trong đó hàng hóa sản xuất trong nước chiếm thị phần chủ đạo.
Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce (tập đoàn Masan) có hệ thống 2 siêu thị Winmart tại TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh và 54 cửa hàng Winmart+ trên địa bàn toàn tỉnh. Để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán, doanh nghiệp đã chủ động làm việc sớm với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, trong đó tập trung các mặt hàng bánh kẹo, mứt, nước giải khát, bia rượu, thực phẩm tươi sống, lương thực - thực phẩm đóng gói, hàng gia vị như nước mắm, dầu ăn, đường…
Ông Võ Công Hải – Giám đốc siêu thị Winmart Hà Tĩnh: “Chúng tôi đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm. Theo đó, năm nay, siêu thị dự trữ nguồn hàng tết với tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều mặt hàng tết đã được bày bán tại siêu thị để phục vụ người dân mua sắm. Song song với đó, chúng tôi liên tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi ưu đãi lớn để kích cầu sức mua dịp cuối năm”.
Theo ghi nhận, với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng tạp hóa “phủ sóng” rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Hiện các doanh nghiệp, tiểu thương đều đã dự trữ và bày bán các mặt hàng phục vụ tết.
Để triển khai công tác phục vụ tết, ngày 2/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 580/KH-UBND về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo kế hoạch, dự báo sức mua sẽ tương đương so với cùng kỳ năm trước và tăng 15 - 20% so với ngày thường.
Theo đó, dự báo nhu cầu dự trữ một số mặt hàng thiết yếu dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ trên địa bàn trị giá gần 445 tỷ đồng. Hàng hóa tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo tẻ, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, đường, bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, rau củ, nước đóng chai, xăng dầu, các mặt hàng khác (bánh kẹo, thực phẩm chế biến...).
Trong đó, dự kiến tổng lượng các mặt hàng nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 như: gạo tẻ 596.000 tấn, thịt lợn 20.500 tấn, thịt bò 2.700 tấn, thịt gà 6.500 tấn, rau củ 33.600 tấn, thủy hải sản 11.900 tấn, trứng gà và vịt 97.000 quả…
Là 1 trong 9 đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa, ông Nguyễn Minh Dũng – đại diện Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng (xã Thạch Long, Thạch Hà) cho biết: “Công ty hiện có 4.000 khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ tết, từ tháng 11/2024, công ty đã lên kế hoạch, làm việc với đối tác, dự trữ và phân phối hàng hóa cho các tạp hóa, cửa hàng bán lẻ. Năm nay, sản lượng hàng hóa tăng trưởng hơn 10% so với dịp tết năm ngoái. Với vai trò là doanh nghiệp bình ổn thị trường, công ty tham gia dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực dạng gói, dầu ăn, bột ngọt, đường, bánh kẹo, các loại nước giải khát… và sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết”.
Theo ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đánh giá tình hình, diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động lớn về giá. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa, thực hiện các chương trình khuyến mãi; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại… để phục vụ nhu cầu của người dân.
Cùng với bảo đảm nguồn cung hàng hóa, công tác kiểm soát thị trường cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm dịp cuối năm để bình ổn thị trường. Được biết, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai đợt cao điểm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau tết Nguyên đán nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ “găm” hàng, mua bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp tết…