Tình hình Liban ảm đạm sau thỏa thuận ngừng bắn

Sau lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, Liban đối mặt với hàng loạt thách thức từ tái thiết kinh tế, áp lực quân sự đến bế tắc chính trị: Thiệt hại chiến tranh ước tính 8,5 tỷ USD, trong khi các cam kết viện trợ quốc tế chưa được thực hiện.

Toà nhà bị phá huỷ sau vụ không kích của Israel xuống Beirut, Liban ngày 23/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Toà nhà bị phá huỷ sau vụ không kích của Israel xuống Beirut, Liban ngày 23/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 1/12, sau một năm xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, lệnh ngừng bắn đã mang đến một khoảnh khắc hy vọng ngắn ngủi cho Liban. Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho những thách thức to lớn mà nước này phải đối mặt.

Ngân hàng Thế giới ước tính tổng thiệt hại của cuộc xung đột lên tới 8,5 tỷ đô la Mỹ. Toàn bộ các thị trấn và làng mạc dọc biên giới đã bị biến thành đống đổ nát, một số khu vực của thủ đô Beirut cũng chịu hư hại nghiêm trọng. Nền kinh tế Liban đã suy giảm 6,4% chỉ trong những tháng cuối của cuộc chiến, khiến tình trạng kinh tế của đất nước này càng trở nên mong manh hơn.

Câu hỏi lớn nhất hiện tại là: Ai sẽ trả tiền cho việc tái thiết? Mặc dù hội nghị các nhà tài trợ tại Paris (Pháp) đã cam kết 1 tỷ đô la Mỹ, nhưng cho đến nay chưa có khoản viện trợ nào đến được Liban. Các quốc gia Arab vùng Vịnh vẫn e ngại và không sẵn sàng hỗ trợ do lo ngại về hệ thống chính trị của Liban.

Trong khi đó, quân đội Liban đứng trước nhiệm vụ bất khả thi - triển khai 10.000 quân về phía Nam sông Litani và đảm bảo Hezbollah phá dỡ cơ sở hạ tầng của mình. Nhà bình luận Mike Azar nhận định: "Nói rằng quân đội Liban có thể phá hủy cơ sở hạ tầng của Hezbollah, thành thật mà nói, là vô lý".

Về phần mình, Hassan Fadlallah, nhà lập pháp thuộc lực lượng Hezbollah, khẳng định nhóm này sẽ vẫn giữ vai trò là "lực lượng phòng thủ chính" chống Israel. "Khi Israel tấn công đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ chiến đấu và chống trả. Đây là quyền của chúng tôi", ông Fadlallah tuyên bố.

Tình trạng chính trị của Liban càng thêm phức tạp khi nước này không có tổng thống được bầu trong hơn hai năm. Matt Duss, Phó Chủ tịch Trung tâm Chính sách Quốc tế, nhấn mạnh: "Áp lực đối với Liban là rất lớn".

Do đó, tương lai của Liban phụ thuộc vào cả cải cách nội bộ và sự hỗ trợ quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri đang kêu gọi tổ chức bầu tổng thống vào tháng 1 tới để giải quyết bế tắc chính trị. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn đầy chông gai.

baotintuc.vn

Đọc thêm

Cảnh sát Brazil cáo buộc cựu Tổng thống Bolsonaro âm mưu đảo chính

Cảnh sát Brazil cáo buộc cựu Tổng thống Bolsonaro âm mưu đảo chính

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 26/11, cảnh sát Brazil đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cựu Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro âm mưu đảo chính, lật ngược kết quả cuộc bầu cử tháng 10/2022, trong đó ông đã thua đối thủ cánh tả - đương kim Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.
Nguy cơ IS trỗi dậy ở Nam Á và Trung Đông

Nguy cơ IS trỗi dậy ở Nam Á và Trung Đông

Nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Afghanistan, đã thừa nhận sát hại 10 người tại một ngôi đền của người Hồi giáo Sufi ở tỉnh Baghlan, miền bắc nước này.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới

Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.