Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành nghị quyết về tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo

(Baohatinh.vn) - Thay mặt Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về tập trung, tích tụ ruộng đất đạt kết quả khá, tạo điều kiện để ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện cơ giới hóa, thủy lợi hóa vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Tuy vậy, tỷ lệ diện tích đất được tập trung, tích tụ so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn thấp; chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành nghị quyết về tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo

Vụ xuân 2022 là vụ khởi đầu cho việc thực hiện phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là: các chủ trương, cơ chế, chính sách định hướng việc tập trung, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh chưa cụ thể; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động thực hiện chưa tốt; nguồn lực thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc tập trung, tích tụ ruộng đất đối với phát triển sản xuất nông nghiệp; một số người dân vẫn còn tư tưởng giữ đất trong khi không có nhu cầu sản xuất hoặc không có khả năng tổ chức sản xuất hiệu quả; thủ tục pháp lý để doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân có nhu cầu thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân, để tổ chức liên kết sản xuất còn nhiều khó khăn.

QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU

Quan điểm chỉ đạo

Tập trung, tích tụ ruộng đất là giải pháp đột phá quan trọng để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung, quy mô diện tích lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, không gò ép, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân; thu hút các nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực trong Nhân dân làm động lực chủ yếu. Phát huy vai trò, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao; gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chuyển đổi số và phát triển thị trường.

Tập trung, tích tụ ruộng đất phải trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng huyện, từng xã và định hướng phát triển nông nghiệp của các địa phương. Quá trình triển khai thực hiện phải phát huy cao dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Nhân dân; đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành nghị quyết về tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra vườn dưa lưới gần 5.500 gốc của chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Hưng Yên, xã Lộc Yên, Hương Khê (tháng 6/2021).

Mục tiêu tổng quát

Tập trung, tích tụ ruộng đất để khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận đất đai đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.

Các chỉ tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2021 - 2025, tập trung, tích tụ khoảng 15.000ha đất sản xuất nông nghiệp.

- Giai đoạn 2026 - 2030, tập trung, tích tụ khoảng 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp.

- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích từ 2ha trở lên; doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua các hình thức tập trung ruộng đất tạo thành vùng sản xuất tập trung đạt quy mô từ 30ha trở lên.

- Đối với khu vực được khoanh vùng thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất phấn đấu còn 1-2 thửa/1 hộ, trong đó từ 75-80% số hộ sử dụng 1 thửa.

NHIỆM VỤ

Tổ chức điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, phân hạng thích hợp đất đai đối với toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó khoanh vùng đất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, có quy mô diện tích lớn để thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, giảm số thửa/hộ nông dân, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn, gắn với hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ.

Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung ruộng đất bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế ở các địa phương, theo các hình thức chủ yếu sau đây: Phát triển các trang trại sản xuất theo hình thức nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; người dân góp đất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã cùng sản xuất; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có năng lực tự thỏa thuận, thuê lại đất của các hộ dân không còn nhu cầu, không có khả năng sản xuất.

Đo vẽ, chỉnh lý bản đồ, hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất sau khi thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất làm cơ sở thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành nghị quyết về tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo

Đường về xã NTM nâng cao Tượng Sơn (Thạch Hà).

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Huy động hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tập trung, tích tụ ruộng đất, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của người dân trong quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng, nhân rộng các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh; giúp người dân hiểu rõ lợi ích các hình thức tập trung ruộng đất để thu hút đầu tư, nâng cao thu nhập nhưng không mất quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Thường xuyên tuyên truyền, cập nhật thông tin về tình hình triển khai thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất ở các địa phương, đơn vị; tuyên truyền, giới thiệu các mô hình, các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông qua việc tập trung, tích tụ ruộng đất.

Quan tâm công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất

Tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 trong năm 2021; hoàn thành điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, phân hạng thích hợp đất đai trong năm 2022. Đối với các vùng quy hoạch sử dụng đất được duyệt là đất sản xuất nông nghiệp, ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo uỷ ban nhân dân cấp xã rà soát lập quy hoạch các vùng sản xuất theo từng thôn đảm bảo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn để cơ giới hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất. Vận động, chuyển đổi quỹ đất sản xuất phù hợp cho các hộ có quy mô diện tích nhỏ, không có nhu cầu sản xuất trong vùng sản xuất tập trung. Thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn gắn với chuyển đổi số

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị; phát triển hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về trình tự thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, vay vốn; thu hút, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, các thủ tục hành chính liên quan cho người dân biết, giám sát. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận đất đai thông qua các hình thức thuê đất, liên kết sản xuất với các hộ dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao.

Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất

Tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong công tác giống, quy trình sản xuất, cơ giới hóa và tự động hóa, công nghệ sinh học, bảo quản, chế biến tinh sâu, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đổi mới quy trình từ quản lý đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ và trang bị các máy móc, hệ thống thiết bị đồng bộ, hiện đại để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn

Gắn thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất với bố trí, phân công lại lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn phát triển, nhất là các nghề truyền thống để giải quyết việc làm cho người lao động. Quan tâm công tác đào tạo nghề, hướng dẫn chuyển đổi nghề cho lao động khu vực nông thôn.

Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất sản xuất nông nghiệp

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh đã ban hành liên quan đến tập trung, tích tụ ruộng đất, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách mới, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định. Bố trí kinh phí từ ngân sách và lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ tổ chức sản xuất và đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất sau tập trung, tích tụ ruộng đất.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo ban hành và giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách tập trung, tích tụ ruộng đất.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết; chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh thường xuyên tuyên truyền việc thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về tập trung, tích tụ ruộng đất; giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết; chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị; huy động nguồn lực để thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất tại địa phương. Định kỳ đánh giá, kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương.

Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Chủ đề Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh vào cuộc sống

Đọc thêm

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.