Đảm bảo quyền lợi cho tổ bảo vệ ANTT
Sáng 1/7/2024, UBND TP Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là địa phương của tỉnh Hà Tĩnh tổ chức điểm lễ ra mắt.
.
Trước đó, công an tỉnh đã kiến nghị thành lập 1.936 tổ bảo vệ ANTT tại 1.936 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Tham gia tại mỗi tổ gồm 3 lực lượng là công an xã không chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng với tổng số 5.871 người (bảo vệ dân phố 253 người, công an xã không chuyên trách 1.746 người và dân phòng 3.872 người). Mỗi thôn/tổ dân phố hiện nay được bố trí ít nhất 1 công an xã không chuyên trách hoặc bảo vệ dân phố, dân phòng.
Là “cánh tay nối dài” của công an xã chính quy trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở cơ sở, vậy, việc hỗ trợ cho lực lượng này sẽ được quy định như thế nào?
Dự thảo Nghị quyết "Quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT; tiêu chí số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh" gồm 11 điều. Theo đó, dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh; tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT; tiêu chí số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT; mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng; mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT.
Cũng theo dự thảo nghị quyết, tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng; hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn hàng ngày trong thời gian điều trị nội trú đối với người chưa tham gia BHYT bị ảnh hưởng sức khoẻ; hỗ trợ thành viên chưa tham gia BHYT mà bị tai nạn dẫn đến tử vong khi thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị, trang phục...
Các nội dung của dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho tổ bảo vệ ANTT thực hiện nhiệm vụ.
Dự thảo nghị quyết nhằm cụ thể hoá nội dung Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và Nghị định số 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giao HĐND tỉnh quy định chi tiết thi hành.
Thành viên tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở được hỗ trợ những gì?
Tổ bảo vệ ANTT gồm: 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và tổ viên được bố trí tương ứng với số lượng hộ của từng thôn, tổ dân phố. Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố trọng điểm, phức tạp về ANTT theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới bố trí không quá 4 thành viên.
Về mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ 0,55 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với tổ trưởng; 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với tổ phó; 0,45 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với tổ viên. Kinh phí thực hiện do ngân sách cấp tỉnh.
Người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ 20% mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định; người tham gia BHYT được hỗ trợ 50% mức đóng BHYT theo quy định. Trường hợp thành viên tổ thuộc đối tượng được hỗ trợ BHXH, BHYT theo quy định của Trung ương, của tỉnh thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
Khi thực hiện nhiệm vụ từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ hoặc thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, các thành viên được hưởng mức bồi dưỡng 32.000 đồng/người/ngày; không quá 10 ngày/tháng và không quá 6 tháng/năm từ nguồn kinh phí cấp xã.
Các thành viên được hỗ trợ 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức người có thẻ BHYT được hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền ăn hàng ngày trong thời gian điều trị nội trú đến khi ổn định sức khỏe ra viện bằng 3% mức lương cơ sở/người/ngày, tối đa không quá 15 ngày/người/một lần điều trị và không quá 3 lần/năm.
Trường hợp thành viên bị tai nạn dẫn đến tử vong, được hỗ trợ tiền tuất cho thân nhân là 10.728.000 đồng; người lo mai táng nhận được mai táng phí là 2.980.000 đồng.
Ngoài ra, tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở còn được hỗ trợ mua sắm, sửa chữa phương tiện, thiết bị, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; công tác tập huấn, diễn tập, hội thi, sơ kết, tổng kết, các phong trào thi đua, khen thưởng do địa phương tổ chức; bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã không chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.