Tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn là mối đe dọa toàn cầu

Năm 2017 chứng kiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị phá hủy nặng nề, mất gần hết cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” tự xưng ở Iraq và Syria.

to chuc nha nuoc hoi giao van la moi de doa toan cau

Cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại al-Qaim tỉnh Anbar, Syria, gần biên giới Syria ngày 3/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo tổ chức thánh chiến này đang thích ứng với hoàn cảnh mới và sẽ vẫn là một mối đe dọa đối với thế giới.

Điểm lại các vụ tấn công liên quan tới IS không thể không kể tới vụ tấn công ngay trong những giờ đầu tiên của Năm mới 2017, một đối tượng người Uzbekistan tự nhận là "thành viên của Vương quốc Hồi giáo" đã phóng hỏa một hộp đêm ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 39 người thiệt mạng.

IS đã trực tiếp vũ trang hoặc lôi kéo các tay súng thánh chiến bằng các chiến dịch tuyên truyền trên mạng, qua đó xúi giục các tay súng này tiến hành hàng chục vụ tấn công đẫm máu, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2017 ở Pakistan, Iraq, Syria, Afghanistan, Ai Cập, Somalia và Anh. Đáng chú ý là vụ đối tượng người Anh gốc Libya Salman Abedi đã sát hại 22 người - trong đó có rất nhiều trẻ em, khi kích nổ một quả bom tự chế ở sân vận động Manchester hôm 22/5.

Các vụ tấn công bằng ôtô dưới hình thức "sói đơn độc" theo tư tưởng cực đoan của IS cũng đã gây ra những thảm kịch đường phố ở Jerusalem, London (Anh), Stockholm (Thụy Điển), New York (Mỹ) và Barcelona (Tây Ban Nha).

Theo hãng tin AFP của Pháp, các vụ tấn công gây thương vong lớn vẫn diễn ra bất chấp thực tế là IS ở Iraq và Syria gần như đã bị đánh bại hoàn toàn sau chiến dịch tấn công phối hợp vào mùa Thu năm 2016. IS đã dựng lên một căn cứ để điều khiển các mạng lưới của chúng ở nước ngoài, tuyển quân, hỗ trợ tài chính và điều phối các hoạt động của các mạng lưới này.

Các chuyên gia khẳng định rằng trên thực tế, việc IS không hiện diện không phải là dấu chấm hết cho các vụ tấn công khủng bố. Lý giải điều này, nhà phân tích về chống khủng bố Yves Trotignon cho rằng năm 2009, nhóm tiền thân của IS ở Iraq đã bị đánh bại về mặt quân sự, nhưng chỉ 2 năm rưỡi sau đó, chúng đã trỗi dậy và gây hỗn loạn ở Syria.

Cũng theo ông Trotignon, chiến dịch tiêu diệt IS ở Iraq và Syria mới đây đã thành công, nhưng như trường hợp mạng lưới al-Qaeda ở Afghanistan, mối đe dọa khủng bố vẫn chưa thể biến mất và nó đang phát triển dưới nhiều hình thức.

Cùng chung nhận định, giáo sư Jean-Pierre Filiu của tổ chức Sciences-Po ở Paris cho rằng "các nhánh của IS - ban đầu ở Ai Cập, sau là ở Libya, Yemen, Afghanistan và Đông Nam Á, vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Và chiến dịch truyền bá tư tưởng thánh chiến dù đã giảm bớt cường độ, song vẫn tiếp tục được duy trì trên toàn thế giới."

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Mỹ cho rằng mối đe dọa IS "sẽ còn kéo dài trong nhiều thế hệ" khi mà một danh sách dài các hành động tàn bạo, các cuộc tấn công hoặc những âm mưu bất thành trong năm 2017 cho thấy phong trào thánh chiến toàn cầu vẫn có khả năng phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.