Sau một ngày cật lực thu gom xử lý, lượng tôm chết vẫn còn ứ đọng trong lòng hồ.
Sau hơn 3 tháng thả nuôi thâm canh, một trong những ao nuôi của HTX Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Bảo An Phú, xã Kỳ Xuân vào kỳ thu hoạch, với lượng tôm đạt trên 4 tấn, trọng lượng đạt khoảng 60 con/kg. Tuy nhiên, bão số 10 quét qua làm hỏng hệ thống điều tiết nước ở ao nuôi, nước biển tràn vào, khiến toàn bộ số tôm bị chết với tốc độ nhanh.
Đã hơn một ngày tập trung nhân lực, phương tiện trục vớt, xử lý, nhưng HTX Nuôi trồng thủy sản Bảo An Phú vẫn chưa thể thu gom xong số tôm chết. Hàng tấn tôm vào vụ thu hoạch chết nổi tràn khắp mặt ao, trong lòng cống, bốc mùi hôi thối dưới trời nắng nóng.
Một số hồ nuôi khác bắt đầu xuất hiện hiện tượng tôm chết
“Bao nhiêu năm theo nghiệp nuôi tôm, có thành công, cũng có thất bại, nhưng chưa bao giờ tôi thấy tôm bị chết nhanh và bị mất mát như lần này” - ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc HTX NTTS Bảo An Phú buồn bã. Theo ông Đồng, các ao nuôi còn lại cũng đã xuất hiện hiện tượng tôm chết rải rác.
Không chỉ ở Kỳ Xuân, hiện tượng tôm chết đã xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương khác của huyện Kỳ Anh như: Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Thọ, Kỳ Khang… Theo ông Lê Văn Trọng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, hiện tượng này chưa từng xảy ra trên địa bàn. Vì vậy, mặc dù bước đầu xác định là do tôm sốc nước biển, nhưng huyện vẫn tích cực điều tra nguyên nhân, khoanh vùng dập dịch và tập trung xử lý môi trường, phòng tránh dịch lây lan trên diện rộng.
Cán bộ ngành chuyên môn lấy mẫu tôm xét nghiệm để xác định nguyên nhân
Nhận được thông tin, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh đã có mặt kịp thời để tiến hành khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm để sớm xác định nguyên nhân.
Bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh: | ||
---|---|---|
Đơn vị đang khẩn trương phân tích mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân, tuy nhiên nhận định ban đầu có thể do nước biển tràn vào ao nuôi, gây nên sự biến động các yếu tố môi trường đột ngột, dẫn đến tôm chết hàng loạt. Trong lúc chờ kết quả phân tích, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh khuyến cáo địa phương và người nuôi tôm cần tập trung cao cho việc chăm sóc các ao nuôi chưa có dấu hiệu tôm chết. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ các yếu tố về môi trường như: thu gom và chôn lấp tôm chết đúng quy trình; làm sạch đáy ao nuôi; sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý hệ thống ao nuôi theo hướng dẫn của ngành chức năng. | ||