Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Lớn lên và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và sự nghiệp đổi mới của đất nước, nhà lý luận sắc sảo, người lãnh đạo tài năng, mực thước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ một phóng viên của Tạp chí Cộng sản, đồng chí đã lăn lộn và trưởng thành trong thực tiễn, học hỏi vươn lên trong cuộc sống để trở thành một trong những cốt cán tâm huyết, bản lĩnh và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có đóng góp quan trọng vào việc phát huy và tiếp tục tìm tòi sáng tạo để đưa cách mạng Việt Nam đạt được những thành quả to lớn và toàn diện trong thời kỳ đổi mới và thời đại hội nhập.

Đến thăm khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (ngày 22/4/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn bà con phát huy kết quả đạt được, tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đến thăm khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (ngày 22/4/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn bà con phát huy kết quả đạt được, tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Từ thực tiễn của Việt Nam, của phong trào cộng sản quốc tế và những diễn biến của tình hình thế giới, với tư cách là nhà lý luận cách mạng, là chiến sĩ cộng sản trung thành cùng với lòng yêu nước vô hạn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng vững vàng trước mọi diễn biến của tình hình, kiên định con đường Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra để đề ra đường lối chính trị đúng đắn, tìm cách vận dụng vào thực tiễn với những chủ trương, chính sách phù hợp trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, QP-AN, đối ngoại; tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đưa đất nước phát triển nhanh và vững chắc, đạt được những thành tựu về mọi mặt, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trên cương vị là Tổng Bí thư và Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là ngọn cờ, là người có công lớn và đóng góp quan trọng vào mặt trận “chống giặc nội xâm”. V.I. Lê-nin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, nhưng giữ được chính quyền càng khó hơn”. Đảng ta đã lãnh đạo đất nước đứng lên giành được chính quyền và đánh thắng “hai đế quốc to”, mang lại độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững nền độc lập, đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN thật không hề giản đơn. Liên Xô và hệ thống XHCN khi đang đầy đủ tiềm lực về kinh tế, về quân sự, đang là thế lực đương đầu với chủ nghĩa đế quốc, là ngọn cờ của cách mạng thế giới mà vẫn bị sụp đổ cũng chính do giặc nội xâm. Giặc nội xâm là thứ giặc rất nguy hiểm vì nó lũng đoạn từ trong nội bộ Đảng, từ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với lại hoành hành trong cơ chế kinh tế thị trường.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Đó chính là nạn tham nhũng, tiêu cực, chúng làm phương hại đến thanh danh của Đảng, làm giảm niềm tin của Đảng với dân, nguy cơ làm mất chế độ. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thấy rõ điều này và đưa ra quyết định rất quan trọng, đó là Đảng trực tiếp lãnh đạo và điều hành Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do chính Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Có thể nói, dấu ấn lịch sử mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng để lại làm nức lòng dân đó là sự cháy bùng của “ngọn lửa” chống tham nhũng. Chiến đấu chống giặc nội xâm là một quá trình và điều quan trọng hơn cả là từng bước làm trong sạch đội ngũ và mang lại niềm tin cho Nhân dân. Đồng thời, khẳng định khi có đủ quyết tâm, có đủ bản lĩnh và đồng lòng, đồng sức thì có thể đẩy lùi được loại giặc này.

Giặc nội xâm còn là thứ giặc chuyên tìm cách xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng rêu rao “đa nguyên, đa đảng”, “nhân văn”, “nhân quyền”, “dân chủ” để hòng bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng; gieo rắc tư tưởng hoài nghi chia rẽ trong nội bộ Đảng và Nhân dân. Biết rõ điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giương cao ngọn cờ kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường độc lập dân tộc và CNXH, kiên quyết chống mọi biểu hiện cơ hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, tư tưởng, chính trị từ trong nội bộ Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có được sự tín nhiệm, uy tín cao trong Đảng và trong toàn dân, bởi không chỉ ở năng lực, tài năng mà còn ở đức độ, phẩm chất liêm chính, phong cách mẫu mực của người đứng đầu và tư cách của người đảng viên cộng sản. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta được Nhân dân tin yêu và đi theo dù đứng trước bao khó khăn, thử thách. Một trong những nguyên nhân dẫn tới điều đó là ở tấm gương phấn đấu, hy sinh, là phẩm chất đạo đức cách mạng của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, đảng viên của Đảng mà tiêu biểu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp nối và phát huy được điều đó trên cương vị của mình. Đồng chí là một tấm gương trong sáng về rèn luyện đạo đức cách mạng, quy tụ được sự đoàn kết trong Đảng, trên cơ sở phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Đồng chí sống theo tấm gương của Bác Hồ và thực hiện lời Người căn dặn: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Tấm gương và uy tín của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đã để lại tình cảm sâu đậm và sự khâm phục với bạn bè quốc tế. Phẩm chất, bản lĩnh và năng lực của đồng chí đã tỏa sáng góp phần nâng cao vị thế của dân tộc Việt Nam và uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (ngày 1/2/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (ngày 1/2/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Đảng ta, đất nước ta tự hào có được lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng qua các thời kỳ, trong đó có tấm gương sáng ngời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí từ trần là tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng và dân tộc Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân ta hứa với đồng chí Nguyễn Phú Trọng nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục phấn đấu, kiên định vững vàng, vận dụng sáng tạo con đường đã chọn vào điều kiện cụ thể của đất nước và tình hình thế giới, nhằm đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra: “Lập nên kỳ tích phát triển mới về một nước Việt Nam phồn vinh hạnh phúc; cùng tiến bước, sánh vai với cường quốc năm châu”.

Vô cùng thương tiếc và xin thắp nén hương thơm tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến về nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Chủ đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).