Sáng 21/8, 200 hoà giải viên trên địa bàn TX Hồng Lĩnh đã có mặt tại hội trường UBND thị xã để tham gia tập huấn kỹ năng và kiến thức pháp luật. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”.
Tại đây, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên pháp luật đến từ Phòng Tư pháp và Viện KSND thị xã truyền đạt kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; kỹ năng giải quyết các tranh chấp trong quan hệ hôn nhân và gia đình và kỹ năng giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, học viên còn được trao đổi, học tập kinh nghiệm và giải đáp những thắc mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải tại cơ sở.
Lớp tập huấn nhằm giúp học viên củng cố, trang bị thêm kiến thức pháp luật và kỹ năng về hòa giải ở cơ sở để vận dụng, giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở phát sinh trong thực tế đời sống.
Trưởng phòng Tư pháp TX Hồng Lĩnh Lê Thị Hồng Hạnh cho hay: "Trên địa bàn có tất cả 349 hoà giải viên cơ sở, ngoài 200 học viên lần này, số còn lại đã được quán triệt, tập huấn vào đợt trước. Quá trình tập huấn cho thấy, học viên hào hứng, sôi nổi tham gia; ngoài việc trả lời các câu hỏi từ báo cáo viên, đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng để cùng trao đổi. Bên cạnh việc giới thiệu lý thuyết, chúng tôi đã lồng ghép những tình huống xảy ra trên thực tế, các vụ việc diễn ra tại địa bàn để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu".
Trước đó, vào chiều 18/7, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Hội Luật gia tỉnh và UBND huyện Hương Khê tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và hoà giải viên ở 21 xã, thị trấn. Tại hội nghị, đại biểu đã nắm được trình tự, kỹ năng và các bước hòa giải ở cơ sở. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như: xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở, phân biệt hòa giải tranh chấp đất đai của UBND cấp xã và hòa giải ở cơ sở đối với tranh chấp đất đai; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành; mô hình hòa giải ở cơ sở điển hình…
Ông Nguyễn Cao Cường (thôn 1, xã Phúc Trạch, Hương Khê) - hoà giải viên xã Phúc Trạch chia sẻ: "Tôi cho rằng, việc tổ chức các lớp tập huấn là hết sức cần thiết, giúp chúng tôi hiểu được vai trò, trách nhiệm của hòa giải viên trong tham gia hòa giải các vụ việc; truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức quan trọng, sát thực tế để vận dụng vào từng vụ việc. Từ đó, giải thích, phân tích, thuyết phục các bên tranh chấp, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và giáo dục ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho Nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 1.930 tổ hòa giải với 13.031 hòa giải viên. Ngoài TX Hồng Lĩnh, huyện Hương Khê, các huyện, thị, thành còn lại đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hoà giải.
Tại các lớp tập huấn, báo cáo viên pháp luật cấp huyện đã truyền đạt những nội dung cơ bản về kỹ năng tiếp cận thông tin về vụ việc hoà giải và nhu cầu của các bên; tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích, nguyên nhân chủ yếu; tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Cùng đó là trang bị các kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hoà giải; tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, vận động các bên tự thoả thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp; ghi chép biên bản, sổ theo dõi hoạt động hoà giải, lập văn bản hoà giải không thành…
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng cho biết: "Thời gian qua, hoạt động hòa giải từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nền nếp, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng huy động sự tham gia của những người có uy tín, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải tham gia.
Chất lượng vụ việc hòa giải ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành hằng năm đều đạt trên 80%. Do vậy, việc giúp đội ngũ hoà giải viên nắm vững các kiến thức pháp lý sẽ góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn".