Trang trọng lễ giỗ 600 năm Hoàng Hậu Phạm Thị Ngọc Trần

(Baohatinh.vn) - Lễ giỗ lần thứ 600 năm Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) là dịp để tri ân, biết ơn sâu sắc bậc tiền nhân đã có công trong việc chống giặc ngoại xâm.

Chiều 20/4 (tức ngày 23/3 âm lịch), huyện Nghi Xuân trang trọng tổ chức lễ giỗ 600 năm của Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần tại di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Thánh Mẫu (xã Xuân Lam).

Trước khi bước vào lễ giỗ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, các đại biểu cùng Nhân dân và du khách được thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc với các di sản văn hoá phi vật thể đến từ các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh và Hà Tĩnh.

bqbht_br_1.jpg
Các nghệ nhân, nghệ sỹ, ca nương giao lưu văn nghệ với những làn điệu ca trù, quan họ, lẩy Kiều, xẩm Kiều, hát chèo và dân ca ví giặm.

Đền Thánh Mẫu là ngôi đền thiêng liêng tọa lạc dưới chân núi Na, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây thờ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần (vợ của Lê Lợi - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn). Phần mộ (hậu am) có từ năm Ất Tỵ (1425), phần đền xây dựng đầy đủ vào đời vua Lê Thánh Tông (con trai của Phạm Thị Ngọc Trần và Lê Lợi).

Bà sinh ra trong một gia đình ở vùng Quần Lai, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa. Bà là một liệt nữ trung hiếu vẹn toàn, tận tuỵ cùng Bình Định Vương Lê Lợi đánh thắng giặc Minh thống nhất giang sơn đất nước.

bqbht_br_12.jpg
Lễ rước Thánh Mẫu

Theo sử sách, những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bà đã cùng Bình Định Vương Lê Lợi và các tướng sỹ xông pha trận mạc. Ngày 24 tháng 3 năm 1425, khi đánh thành Trào Khẩu - Nghệ An, Hoàng hậu Ngọc Trần đã tự hiến mình cho thuỷ thần trên dòng Sông Lam để thần phù hộ cho nghĩa quân thắng giặc. Sau khi hiến thân, thi thể của bà đã được quản tại Núi Na, làng Lộc Điền, tổng Tam Đăng (nay là thôn 5, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân).

Năm 1428, sau khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, để đền đáp công ơn của bà, Vua Lê Thái Tổ đã lập con trai của bà là Lê Nguyên Long lên kế vị, lấy hiệu là Lê Thái Tông. Sau đó Vua Lê Thái Tông truy tôn mẹ làm Cung từ Quốc Thái Mẫu, Cung từ Quang phục Quốc Thái Mẫu; năm 1437 bà được truy tôn làm Hoàng Thái Hậu.

bqbht_br_7.jpg
Ban tế lễ tiến hành các nghi lễ truyền thống.

Trải qua hàng trăm năm, đền thờ được chính quyền và Nhân dân nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 2005, phần mộ và đền thờ Hoàng hậu Ngọc Trần được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Hằng năm, cứ vào ngày 23 đến 24 tháng 3 âm lịch, huyện Nghi Xuân trang trọng tổ chức lễ giỗ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần theo nghi thức cổ truyền của dân tộc nhằm tưởng niệm bà là người đã có công lớn vì dân, vì nước; cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, quốc thái dân an.

bqbht_br_6.jpg
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân dâng hương tỏ lòng biết ơn trước công lao của Hoàng hậu Ngọc Trần.

Đây là dịp để tri ân, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công trong việc chống giặc ngoại xâm; khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hướng về cội nguồn; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá...

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.