VIDEO: Trẻ em Hà Tĩnh hồn nhiên bên cánh diều
Cánh diều từ lâu đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho tuổi thơ với những tháng ngày rong chơi đầy tiếng cười hồn nhiên. Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng xem cánh diều là một trong những biểu tượng của quê hương: “Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng”.
Những đứa trẻ con quần đùi, áo cộc lũn cũn, mắt ngó lên trời, hai tay thoăn thoắt quấn dây diều, đôi chân nhỏ chạy băng băng trên bãi cỏ, là hình ảnh dễ thấy trên nhiều cánh đồng ở miền quê Hà Tĩnh, khi mặt trời dần ngả bóng về chiều những ngày sau mùa gặt.
Thả diều là trò chơi dân gian hấp dẫn giúp các em nhỏ thư giãn tinh thần sau mỗi giờ học tập căng thẳng, giúp các em lớn lên có những kỷ niệm đẹp về tuổi ấu thơ, và nếu có xa quê cũng nhớ về “nơi chôn nhau cắt rốn”.
Những con diều hình rồng, phượng, cá mập, bươm bướm... đầy màu sắc được lũ trẻ hết sức giữ gìn, xem như “báu vật”. Trong những buổi thả chung, con diều của ai bay cao hơn thì chủ nhân của nó tha hồ có dịp được “ra oai” với bạn bè cùng trang lứa.
Trò chơi thú vị này không chỉ thu hút những bé trai mà cả các bé gái.
Niềm vui nhỏ bé của các em là được nhìn thấy những con diều mình thả bay cao. Thế nhưng, đôi khi những con diều cũng “làm tội” các chủ nhân phải chạy toát mồ hôi đuổi theo mỗi khi bị đứt dây.
Khi diều đã có đà, việc giật dây và thả dây đòi hỏi phải khéo léo để giữ cho diều lên một cách đều đặn. Ống quấn dây diều cũng cực kỳ đa dạng, đôi khi chỉ là một chai nhựa rỗng hay cành cây, thanh sắt.
Một số người lớn buổi chiều ra đồng xem thả diều, hồi ức lại về những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.
Bên cạnh những mặt tích cực, trò chơi thả diều cũng tiềm ẩn một số nguy cơ gây mất an toàn điện lưới khi dây diều không may bị mắc vào dây điện. Trẻ em thường được bố mẹ, ông bà nhắc nhở chơi thả diều trên những bãi đất rộng, thoáng.
Trẻ em Hà Tĩnh mải mê chạy đuổi theo những cánh diều cho đến khi mặt trời dần khuất mới chịu quấn dây, ra về trong tiếng cười đùa vui vẻ.