Sự lắng nghe, chia sẻ từ bố mẹ có tác động tích cực đến tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa internet.
Sau giờ ăn tối, cậu con trai học lớp 5 của anh Thanh (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) nói với bố mẹ là con muốn đi sinh nhật người bạn cùng xóm một lúc rồi về. Đang cắm cúi lướt điện thoại, chưa kịp nghe con nói hết câu, vợ chồng anh Thanh đã mắng con: “Lo học hành đi, bài tập còn cả đống chưa làm mà bày đặt sinh với nhật gì!”.
Mặc dù cậu bé nói rằng buổi chiều mình đã cố gắng làm xong bài tập, xem bài kỹ càng cho ngày mai để tối có thời gian đi dự sinh nhật bạn nhưng bố mẹ vẫn không tin và nhất quyết bắt cậu ở nhà học bài. Sự ấm ức là điều không thể giấu nổi trên khuôn mặt nhăn nhó, trong đôi mắt giàn giụa nước của cậu bé.
Khi có con gái bị cô giáo nhắc tên trong nhóm chat của phụ huynh lớp vì có xích mích với bạn trong giờ học, chị Ngọc (huyện Thạch Hà) đã không đủ bình tĩnh tìm hiểu ngọn ngành mà mắng con với những lời lẽ khá nặng nề. Cô bé đã khóc trong nỗi ấm ức mà không giải thích gì thêm với mẹ.
Cho đến khi bà ngoại tới thăm, cô bé như được trút bỏ nỗi lòng, chia sẻ toàn bộ câu chuyện. Với cái nhìn bao dung, bà ngoại đã phân tích cho cháu gái hiểu cái đúng, cái sai của bản thân và câu nói của cô bé thực sự khiến chị Ngọc phải suy ngẫm: “Mẹ chẳng bao giờ chịu lắng nghe con cả! Với mẹ, mọi chuyện đều xuất phát từ lỗi của con!”.
Bố mẹ tăng cường tương tác với con cái sẽ giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết, bền chặt.
Những câu chuyện về việc cha mẹ không đủ kiên nhẫn lắng nghe con như vậy rất thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, người lớn chúng ta ắt hẳn đã từng một đôi lần nhìn thấy mình trong đó. Với con trẻ, những gì xảy ra trong học tập, trong các mối quan hệ bạn bè, thầy cô luôn là những vấn đề “to đùng” trong cuộc sống của chúng. Nhưng phần lớn cha mẹ vẫn cho rằng đó là những chuyện “cỏn con”, không có gì đáng để tâm nên người lớn thường có tâm lý không lắng nghe trẻ nói.
Nhiều cha mẹ cũng không đủ sự khiêm nhường, bao dung nên luôn áp đặt rằng, trẻ con là đối tượng thiếu kinh nghiệm hơn, sống phụ thuộc vào người lớn thì không có lý do gì để người lớn phải lắng nghe chúng cả. Thậm chí, có những người luôn mặc định “con đang nói dối” và không bao giờ đặt niềm tin vào con cái. Điều này đã khiến những đứa trẻ với tâm hồn non nớt và tâm lý bất ổn dễ dàng bị tổn thương.
Trao đổi về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa (Trường Đại học Hà Tĩnh) - một người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học cho rằng: “Sự lắng nghe của cha mẹ dành cho con cái là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Lắng nghe giúp cha mẹ nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, vướng mắc trong cuộc sống của trẻ. Khi đứa trẻ được lắng nghe, chúng sẽ cảm thấy được tôn trọng, được chia sẻ và coi bố mẹ là chỗ dựa tinh thần. Sự tương tác hai chiều đó cũng góp phần làm bền chặt hơn sợi dây liên kết tình cảm gia đình”.
Làm bạn với con chưa bao giờ là điều dễ dàng với các bậc làm cha mẹ nhưng nếu có đủ sự bao dung, thấu hiểu và tin tưởng thì chắc rằng, khi gặp bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, con cái cũng sẵn sàng mở lòng. Đôi khi từ những phút giây trẻ mở lòng chia sẻ đó, cha mẹ đã giúp con tránh được nguy cơ đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng khác.