Cán bộ bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Hương Khê trèo đèo, lội suối để tuần tra, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh đường biên giới Việt - Lào.
Bất chấp thời tiết không thuận lợi, địa hình hiểm trở, khe suối dày đặc và nhiều khó khăn, thiếu thốn khác, nhưng 11 cán bộ của BQL rừng phòng hộ Hương Khê vẫn tổ chức đi tuần tra, kiểm tra rừng dọc tuyến đường biên giới Việt - Lào dài 29 km.
Dù rất vất vả, phải ăn ở trong rừng sâu hơn 1 tuần lễ nhưng tất cả cán bộ lâm nghiệp được giao đi làm nhiệm vụ lần này đều “đến nơi, về đến chốn”, báo cáo đầy đủ, kịp thời với lãnh đạo đơn vị về tình hình rừng núi trên tuyến đường biên nhạy cảm này.
Với quyết tâm không để rừng bị xâm hại, những cán bộ bảo vệ rừng ở Trạm bảo vệ rừng Rào Rồng đang ngày đêm lội suối, băng rừng, ăn ở tạm bợ... để đẩy đuổi lâm tặc và ngăn chặn sẻ phát, lấn chiếm rừng
Chính nhờ những cuộc tuần tra, kiểm tra thường xuyên như thế này, nên mọi hành vi vi phạm lâm luật trên lâm phần BQL rừng phòng hộ Hương Khê đảm nhận cơ bản đều được phát hiện, xử lý kịp thời.
“Vào giữa tháng 1/2020, qua công tác tuần tra, chúng tôi phát hiện ông Trần Đình Tứ ở thôn Phú Lộc (xã Hương Trạch - Hương Khê) phát dọn 0,5 ha rừng để trồng keo trong phần đất được giao khoán cho gia đình theo Dự án 327 ở tiểu khu 258. Vì đây là vùng rừng khoanh nuôi, bảo vệ, không được tác động nên ngay lập tức chúng tôi đã tổ chức ngăn chặn và báo cáo kịp thời với Ban giám đốc để phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật...”, ông Lê Tiến Sỹ - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Rào Rồng cho hay.
Với địa hình hiểm trở, công tác tuần tra bảo vệ rừng ở BQL rừng phòng hộ Hương Khê luôn gặp nhiều khó khăn, song những người giữ rừng ở đây vẫn “hành quân” đều đặn để bảo vệ rừng. (Trong ảnh: CBCNV Trạm quản lý bảo vệ rừng Cây Trồ - BQL rừng phòng hộ Hương Khê vận chuyển phương tiện, thiết bị để tuần tra rừng).
Với quyết tâm không để rừng bị chặt phá, sẻ phát, lấn chiếm, BQL rừng phòng hộ Hương Khê đã tập trung huy động nhân lực, phương tiện và triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp. Nhờ vậy, sau 1 năm sáp nhập, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây đã được thực hiện tốt hơn trước, tình trạng rừng bị xâm hại đã giảm nhiều (năm 2019 xẩy ra 9 vụ vi phạm lâm luật, giảm 7 vụ so với năm trước đó). Riêng trong những tháng đầu năm 2020 này, trên lâm phần mới chỉ xẩy ra 1 vụ sẻ phát trái phép ở xã Hương Trạch.
Tại các điểm “nóng” trước đây như: Trạm Rào Tre (vận chuyển gỗ từ Quảng Bình về dọc tuyến Rào Tre), trạm Hương Liên (vận chuyển gỗ từ Quảng bình về qua Tiểu khu 265), trạm Hương Vĩnh (các tuyến khe Rò, khe Cù Lây), trạm Cây Trồ (khai thác gỗ tại Tiểu khu 247 giáp ranh với Công ty Lâm nghiệp Chúc A), trạm Khe Táy (khai thác gỗ tại Tiểu khu 210, 227), trạm Rào Rồng (khai thác gỗ và tái xâm lấn đất rừng tại Tiểu khu 238, 258)… nay đã được đơn vị quản lý chặt chẽ, ngăn chặn triệt để.
Nhờ thường xuyên tuần tra, kiểm tra nên mọi hành vi vi phạm lâm luật trên lâm phần BQL rừng phòng hộ Hương Khê đảm nhận cơ bản đều được phát hiện, xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Thượng Hải - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Hương Khê cho biết thêm: "Hiện chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc, mở các đợt truy quét ở các khu vực rừng tự nhiên, lập lán trại tại các khu vực rừng dễ bị xâm hại... để đẩy đuổi lâm tặc ra khỏi lâm phần, ngăn chặn người dân gần rừng vào sẻ phát, hạn chế tình trạng săn bắt động vật và khai thác lâm sản trái phép.
Đơn vị cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, các chủ rừng lân cận như Vườn quốc gia Vũ Quang, Công ty MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa (Quảng Bình); các đồn biên phòng Phú Gia, Bản Giàng; cùng các lực lượng chức năng khác như kiểm lâm, công an... để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng trong tình hình mới".