Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê
* Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê đang quản lý tổng diện tích là 15.533 ha rừng; trong đó, 150 ha rừng phòng hộ, 15.382 ha là rừng sản xuất. Diện tích dự kiến trả về địa phương và giao chủ rừng là 3.185 ha, diện tích công ty giữ lại quản lý, sử dụng là 12.347 ha. Số diện tích này, Sở TN&MT đang hoàn tất các thủ tục để tham mưu cho UBND tỉnh giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Võ Sỹ Lực báo cáo tại cuộc làm việc.
Công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng giai đoạn 2016 - 2019 của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê cơ bản ổn định, không để xẩy ra điểm nóng về việc khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái pháp luật hay các vụ việc xâm lấn, tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên diện tích đất của Công ty quản lý vẫn xảy ra một số vụ việc xâm lấn, tranh chấp mang tính chất phức tạp và kéo dài, như việc xâm chiếm, tranh chấp đất đai giữa công ty và gia đình ông Lê Hữu Chí; việc người dân tự ý sẻ phát xâm chiếm, chặt phá rừng tại khoảnh 8a, tiểu khu 159, xã Hương Thọ; việc người dân sẻ phát, xâm chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại khoảnh 6a, 7a, tiểu khu 159, xã Hương Thọ.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Hương Khê Nguyễn Thanh Tuấn nhận định: Các vụ việc xâm lấn, tranh chấp đất rừng thường có tính chất phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng trật tự trên địa bàn.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, hiện tại, cơ chế chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng tại gốc còn chưa được quan tâm đúng mức nên trong công tác, thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, do trình độ nhận thức cũng như mức sống của nhân dân trong vùng còn hạn chế dẫn tới sức ép vào rừng còn cao. Việc khai thác từ rừng tự nhiên bị cấm, nhu cầu gỗ nguyên liệu từ rừng trồng tăng nên vẫn còn xảy ra các vụ phát sẻ rừng trái phép với quy mô nhỏ lẻ, manh mún của các hộ dân sống trong rừng, ven rừng.
Vì vậy, công ty rất mong được sự quan tâm, chia sẻ và phối hợp của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cơ sở.
Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu: Dự kiến trả rừng về địa phương và giao chủ rừng không chỉ có Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê mà còn nhiều đơn vị khác. Sau cuộc giám sát này, HĐND tỉnh sẽ có cuộc làm việc với UBND tỉnh để có phương án hữu hiệu nhất.
Trước việc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê dự kiến trả về địa phương và giao chủ rừng 3.185 ha (rừng tự nhiên ở khu vực trên cao, phía trong), Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu cho biết, quan điểm của tỉnh đối với diện tích rừng tự nhiên nhỏ lẻ có thể giao khoán cho hộ gia đình để làm thủ tục chuyển đổi sử dụng, còn với diện tích tập trung lớn thì có điều kiện là phát triển dự án khác. Trước mắt, công ty phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích đó.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền đánh giá cao những thành tích mà Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê đạt được thời gian qua khi quản lý tổng diện tích hơn 15.000 ha rừng, địa bàn lại rất rộng.
“Đề nghị công ty có sự phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn nữa với các địa phương có đất rừng thuộc đơn vị quản lý. Việc tranh chấp, xâm lấn đất rừng là do lỗi 2 bên, trong khi người dân chấp hành không tốt thì chính quyền địa phương và công ty cũng có trách nhiệm, nếu như làm tốt từ đầu thì sẽ không xảy ra chuyện” - bà Trương Thanh Huyền lưu ý.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị công ty cần phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, canh gác để không xảy ra các vụ cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép; giải quyết các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì buổi làm việc với huyện Hương Sơn.
* Hương Sơn hiện có 84.593,40 ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa giới hành chính 28 xã, thị trấn; độ che phủ rừng đạt 70,58%. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng gần 9.349 ha, rừng phòng hộ gần 31.049 ha, rừng sản xuất trên 43.316 ha.
Thời gian qua, huyện Hương Sơn và Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn đã ban hành trên 327 văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng, giao đất, giao rừng; triển khai thực hiện Chương trình phát triển mục tiêu lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, phát triển rừng, đề nghị các cấp bộ, ngành trung ương, tỉnh có cơ chế ưu đãi đối với lực lượng bảo vệ rừng tại gốc, nhất là các đơn vị vùng sâu, vùng xa
Những năm qua, huyện Hương Sơn đã làm tốt công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng; quan tâm thực hiện công tác bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng; công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp được thực hiện chặt chẽ, ý thức của cộng đồng, người dân được nâng lên trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Trong 4 năm qua, trên địa bàn huyện đã trồng 1.945 ha rừng tập trung; chăm sóc 2.350 ha rừng; 69.128 ha được khoán bảo vệ; trồng 4,30 triệu cây phân tán, nâng độ che phủ rừng trên địa bàn lên 70,35%.
Cũng trong giai đoạn này, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 285 vụ (phá rừng trái phép 29 vụ, khai thác lâm sản trái phép 12 vụ, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến trái phép 244 vụ); số tiền xử phạt trên 640 triệu đồng…
Việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo Quyết định số 3952/QĐ-UBND ngày 06/12/2013 của UBND tỉnh được thực hiện tốt. Đến nay, đã giao 7.316 ha/2.170 hộ và cộng đồng 20 xã, thị trấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt: Địa phương cần tập trung cao công tác quản lý, ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép, nhất là diện tích giáp ranh giữa các địa phương.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo địa phương và các đại biểu đã phân tích, làm rõ một số hạn chế trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Hương Sơn như: Việc giao đất giao rừng còn nhiều hạn chế, diện tích rừng giao không được đo đạc chính xác, còn có tình trạng chồng chéo, sai lệch về diện tích, không rõ ràng giữa thực địa với hồ sơ giao, khoán.
Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Trần Văn Kỳ: Hương Sơn là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, phân bố rải rác, phức tạp nhưng những năm qua địa phương đã làm khá tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đây là tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch sinh thái của địa phương.
Hiệu quả, giá trị thu nhập bình quân trên diện tích rừng trồng còn thấp, trồng rừng chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, mức đầu tư thâm canh thấp, chủ yếu là trồng rừng quảng canh.
Công nghệ chế biến lâm sản còn lạc hậu, sản phẩm sản xuất chủ yếu đang ở dạng thô, giá trị hàng hóa sản phẩm thấp, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường; chế biến lâm sản ngoài gỗ, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chưa phát triển.
Thay mặt đoàn giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng ghi nhận các cấp, ngành huyện Hương Sơn những năm qua đã thực hiện cơ bản nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng. Với diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, phân bố rải rác nhiều vùng nhưng địa phương đã có những nỗ lực để bảo vệ, ngăn chặn chặt phá rừng. Đặc biệt, địa phương cũng đã quyết liệt trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến phá rừng, đốt rừng.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của huyện cũng như những ý kiến góp ý của các thành viên, đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp báo cáo, đưa vào nội dung kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.