“Ngày 2/2, Cơ quan Tên lửa Triều Tiên đã tiến hành thử sức mạnh của một mẫu tên lửa hành trình có đầu đạn siêu lớn và một loại tên lửa phòng không mới ở vùng biển phía tây bán đảo”, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng nay cho biết.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 2/2. Ảnh: KCNA
“Những cuộc thử nghiệm là một phần trong hoạt động thường lệ của chính phủ và các viện khoa học quốc phòng nhằm phát triển công nghệ một cách nhanh chóng trên nhiều khía cạnh”, KCNA nói thêm, nhấn mạnh điều này không liên quan đến tình hình khu vực hay gây đe dọa tới an ninh các nước láng giềng.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc trước đó thông báo Triều Tiên đã phóng hàng loạt tên lửa hành trình “không xác định” vào vùng biển phía tây bán đảo vào sáng 2/2. Cơ quan này cho hay đang tiến hành phân tích vụ phóng, thêm rằng Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để “tăng cường giám sát” Triều Tiên.
Đây là lần thứ tư Bình Nhưỡng phóng tên lửa hành trình trong năm nay. Các vụ phóng tên lửa hành trình của Triều Tiên không thu hút nhiều chú ý bằng tên lửa đạn đạo, do nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không cấm nước này thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa.
Tên lửa hành trình bay chậm và có uy lực kém hơn tên lửa đạn đạo, nhưng khả năng bay thấp khiến loại vũ khí này dễ ẩn mình trước radar phòng không và có độ chính xác cao hơn.
Ngoài tên lửa hành trình, Triều Tiên đầu năm nay cũng tiến hành một số vụ thử vũ khí đáng chú ý khác, trong đó có tàu lặn không người lái Haeil-5-23 có khả năng gây “sóng thần phóng xạ” và một mẫu tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn.
Bình Nhưỡng tăng cường thử vũ khí trong bối cảnh tình hình ở bán đảo Triều Tiên gần đây đang nóng lên, sau khi hai bên hủy các thỏa thuận giảm căng thẳng, tăng cường an ninh biên giới và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn.
Trong chuyến thăm xưởng đóng tàu quân sự Nampo hôm 2/2, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh nước này đang “chuẩn bị cho xung đột”. Ông trước đó nói Triều Tiên sẽ coi Hàn Quốc có hành động gây chiến nếu Seoul “xâm phạm dù chỉ 0,001 mm lãnh thổ”, đồng thời gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính”.
Bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh. Đồ họa: CSIS