Trong ngày 14/12 phải có phương án xử lý tàu chìm ở cảng Sơn Dương

(Baohatinh.vn) - Đó là yêu cầu của lãnh đạo ngành TN&MT Hà Tĩnh với đại diện tàu Nordana Sophie HSCP2 (Thái Lan) tại buổi làm việc sáng nay (13/12)về ứng phó sự cố tràn dầu của con tàu này, đã bị chìm trên khu vực cảng Sơn Dương.

Tham dự có đại diện Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Phòng Cảnh sát môi trường, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng tỉnh cùng đại diện chủ tàu Nordana Sophie

Sáng nay (13/12), Sở TN&MT Hà Tĩnh chủ trì buổi làm việc về ứng phó sự cố tràn dầu của tàu Nordana Sophie HSCP2, trọng tải 8.976 tấn, quốc tịch Thái Lan bị chìm trên khu vực cảng Sơn Dương vào ngày 28/11.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Phan Lam Sơn cho hay: Ngay sau khi nhận thông tin, đã báo cáo với UBND tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời triển khai ngay các biện pháp ứng cố sự cố chìm tàu và nguy cơ tràn 178 tấn dầu trong thân tàu.

Tàu Nordana Sophie HSCP2 chìm trên khu vực cảng Sơn Dương

“Sáng 29/11, người dân phát hiện một số mảnh vỡ từ thân tàu và vệt đen có kết cặn trải dài hơn 3km từ bờ biển thuộc khu vực thôn 2, 3 Tân Phúc Thành (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh). Xác định đây là vết dầu loang từ tàu hàng của Thái Lan gặp sự, Hà Tĩnh đã huy động 777 lượt người thu gom được 41 tấn dầu lẫn cát đưa về nhà máy xử lý chất thải công nghiệp xử lý”, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Phan Lam Sơn thông tin.

Các lực lượng thu gom dầu loang trên bãi biển xã Kỳ Lợi

Tuy nhiên, hiện chỉ mới thu gom được một phần dầu loang trên bờ mặt bãi biển, còn phần vùi lấp dưới cát, phần bám vào các bãi đá ở đảo vẫn chưa được thu dọn do khó khăn về địa hình.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh, ngay khi sự cố xảy ra, địa phương đã cảnh báo người dân sớm di dời các lồng bè nuôi thủy sản nên không có thiệt hại nhưng có đơn phản ánh của ngư dân về một số ngư cụ bị dầu bám vào gây hư hỏng.

Phó Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh: Địa phương sẽ có rà soát, kiểm đếm chính xác các thiệt hại (nếu có) đối với ngư dân, đảm bảo tính công bằng cho cả 2 bên (ngư dân và chủ tàu)

“Đề nghị các ngành liên quan tiếp tục duy trì lực lượng thu gom nếu còn dầu tràn lên bãi biển và di chuyển 20 bao tải còn lại chứa dầu cặn (khoảng 2 tấn) ở bãi biển Kỳ Lợi về nơi xử lý. Quá trình thực hiện cần phối hợp với địa phương và đặc biệt là chính quyền xã Kỳ Lợi”, ông Phan Duy Vĩnh nói.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các ban, ngành Hà Tĩnh lo ngại nguy cơ tràn dầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu để càng lâu sẽ càng nguy hiểm nên đề nghị phía chủ tàu sớm có phương án hút toàn bộ số dầu và trục vướt tàu càng sớm càng tốt. Quá trình thực hiện việc trục vớt, hút dầu cần có các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường biển.

Nguyễn Minh Đức – Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh: Nếu 178 tấn dầu nguyên liệu các loại, trong đó 139 tấn dầu FO, 39 tấn dầu DO, tràn ra sẽ gây thiệt hại rất nặng nề, khó có thể ước tính được thiệt hại

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Anne Reglain - Đại diện chủ tàu Nordana Sophie HSCP2 gửi lời cảm ơn tới các đơn vị chức năng Hà Tĩnh đã sớm ứng cứu được 12 thuyền viên và triển khai các biện pháp ứng phó với sự cố chìm tàu.

Bà Anne Reglain - Đại diện chủ tàu Nordana Sophie: Chủ tàu mong muốn sẽ trả lại bờ biển trong sạch cho chính quyền, cho ngư dân địa phương đánh cá

Theo bà Anne, hiện tại chủ tàu đang hoàn chỉnh phương án xử lý sự cố chìm tàu, trong đó ưu tiên việc hút 178 tấn dầu ra khỏi khoang chứa nhằm hạn chế những tác xấu tới môi trường có thể xảy ra. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến trong 17 ngày sẽ hoàn thành việc hút dầu và sau đó triển khai việc trục vớt tàu.

Phía chủ tàu cũng mong muốn các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp, giúp đỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án hút dầu, trục vớt tàu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Phan Lam Sơn đề nghị chủ tàu Nordana Sophie trong ngày mai (14/12) phải trình phương án tổng thể về trục vớt tàu bị chìm theo Nghị định 05/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam và thực hiện trách nhiệm bồi thường (nếu có) khi để xảy ra sự cố tràn dầu được quy định tại Điều 33 Quyết định 02/2013/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

“Quá trình thực hiện, chủ tàu và các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương để nắm rõ kế hoạch, lịch trình, thời gian, địa điểm, lực lượng tham gia”, ông Phan Lam Sơn nói và đề nghị chủ tàu phải tổ chức thu gom triệt để lượng dầu tràn ở đảo, trên bờ biển và dầu bị vùi lấp trong cát và đưa đi xử lý đúng theo quy định, dưới sự kiểm soát của ngành chức năng.

Đồng thời, chủ tàu phải triển khai việc quây phao, tránh dầu tràn ở khu vực tàu đắm; trường hợp nếu có dầu tràn phải thu gom triệt để.

Bên cạnh đó, ông Phan Lam Sơn đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với chủ tàu sớm rà soát, xác minh đơn phản ánh của ngư dân về thiệt hại một số ngư cụ do dầu bám, tránh trương hợp lợi dụng sự việc để trục lợi cá nhân.

Vào khoảng 4h sáng ngày 28/11, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh nhận được thông tin tàu Nordana Sophie, số hiệu HSCP2, có trọng tải 8.976 tấn, quốc tịch Thái Lan bị thủng buồng máy, nước tràn vào và bị nghiêng khoảng 25 độ, có nguy cơ chìm trên khu vực Cảng Sơn Dương. Trên tàu lúc đó có tất cả 18 thuyền viên mang quốc tịch Thái Lan đã được các ngành chức năng Hà Tĩnh cứu hộ kịp thời, đưa vào bờ an toàn.

Tàu Nordana Sophie rời cảng Hồng Kông đến Cảng Sơn Dương để lấy hàng thì gặp sự cố. Trên tàu đang có 178 tấn dầu nhiên liệu.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói