Hương Khê là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, riêng diện tích rừng và đất lâm nghiệp do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê quản lý là 31.276,4 ha; trong đó, diện tích có rừng 29.772,5 ha, bao gồm 17.832,6 ha rừng tự nhiên và 1.939,9 ha rừng trồng.
Năm 2018, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê đã tổ chức tuần tra, kiểm tra hơn 1.000 lượt trong rừng.
Qua điều tra khảo sát thực tế của đơn vị chức năng cho thấy, không ít vùng rừng ở Hương Khê thường bị khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép tại một số địa phương như: Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Lâm, Hương Liên… Trong khi đó, các vùng rừng thuộc xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Giang… có nhiều thảm thực vật có khả năng cháy rừng và xâm lấn rừng, đất lâm nghiệp trái phép.
Ông Hoàng Xuân Tài - Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê cho hay: "Để ngăn chặn phá rừng, cháy rừng, chúng tôi phân định rõ vùng trọng điểm, các điểm nóng nhằm phát hiện, lập biên bản và báo cáo xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm.
Thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức đóng lán trại canh giữ tại các điểm có nguy cơ xảy ra khai thác gỗ trái phép; tăng cường tuần tra, lập các tổ canh gác lửa "trực chiến" giữa đại ngàn trong những ngày nắng nóng. Trong năm 2018, Ban đã tổ chức tuần tra, kiểm tra hơn 1.000 lượt trong rừng. Nhờ đó, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đã giảm hẳn so với những năm trước đây.
Nhờ các giải pháp quyết liệt, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đã giảm hẳn so với những năm trước đây.
Nhờ bám rừng, năm 2018, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê đã phát hiện 4 vụ sẻ phát, bao lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái phép; phối hợp tổ chức bắt giữ 12 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, thu hồi gần 14 m3 gỗ các loại; tổ chức phá dỡ hàng chục lán trại, phá hủy kè đập ngăn nước dùng vận chuyển lâm sản trái phép. Trên lâm phần Ban quản lý không xảy ra cháy rừng, một số điểm phát lửa do người dân xử lý thực bì để trồng rừng được phát hiện, kiểm soát kịp thời.
Người dân vẫn có thói quen xử lý thực bì bằng lửa, nếu không kiểm tra, theo dõi dễ gây ra cháy rừng.
Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê Nguyễn Thượng Hải cho biết: Phát huy hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, thời gian tới, Ban tiếp tục triển khai các giải pháp bám rừng để giữ rừng hiệu quả. Đặc biệt, chỉ đạo các trạm quản lý, bảo vệ rừng địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra toàn bộ hiện trường rừng được giao quản lý, xác định những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại cao về khai thác, sẻ phát, xâm chiếm, cháy rừng… để phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra truy quét, kiểm tra rừng tại gốc, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Để phòng chống cháy rừng, Ban cũng đã lên phương án tổ chức “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), trong đó, các tổ trực tuần tra, canh gác lửa rừng là khâu quan trọng để phát hiện cháy rừng. Ngoài ra, Ban còn xây dựng một số kịch bản, phương án, giải pháp chữa cháy, khắc phục rừng…