Trump, yêu nước và... bị luận tội

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ có thể bị lật đổ vì phản bội tổ quốc. Nhưng tại Liên Hiệp Quốc, ông ra một tuyên bố đặt lòng yêu nước lên trên hết.

Trump, yêu nước và... bị luận tội

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - Ảnh: Reuters

“Nếu muốn có dân chủ, hãy giữ lấy chủ quyền. Và nếu muốn có hòa bình, hãy yêu mến đất nước của mình” - Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 24-9 (giờ địa phương).

Gần như cùng lúc, lời kêu gọi yêu nước của ông Trump gặp thách thức từ Hạ viện Mỹ: Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo chính thức khởi động cuộc điều tra luận tội tổng thống.

Nước cờ liều lĩnh của Đảng Dân chủ

Bà Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội đất nước bằng cách thúc giục Ukraine điều tra ứng viên tranh cử tổng thống Joe Biden. Theo bà Pelosi, đây là cách ông Trump mượn quyền lực để triệt tiêu đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử 2020.

Trong lịch sử nước Mỹ, có ba tổng thống gặp kịch bản luận tội gồm Richard Nixon, Andrew Johnson và Bill Clinton. Nhưng chỉ Johnson và Clinton chính thức bị điều tra luận tội, và không cuộc luận tội nào thành công.

Quá khứ rõ ràng không đứng về phía bà Pelosi, và bản thân chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng hiểu rõ những rủi ro chờ đợi Đảng Dân chủ và chính mình.

Năm 1998, trong thời khắc các thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu về việc luận tội cựu tổng thống Clinton, bà Pelosi cũng đứng đó tại Nhà Trắng và nhìn thấy nỗ lực tuyệt vọng của đối thủ. Đơn giản vì phe Cộng hòa từng muốn phế truất ông Clinton bất kể biết trước không thể làm điều này ở Thượng viện - một kịch bản chính xác như tình trạng của Đảng Dân chủ ngày nay.

Hiện nếu Hạ viện chấp thuận luận tội ông Trump, màn tiếp theo sẽ là xét xử tại Thượng viện. Một cuộc luận tội thành công đòi hỏi phải có số phiếu luận tội chiếm đại đa số 2/3, tức 67 trên 100 ghế. Mà Thượng viện lúc này do Đảng Cộng hòa kiểm soát với 53 ghế, còn Đảng Dân chủ nếu tính gộp luôn 2 ghế độc lập mới chỉ nắm 47 ghế.

Đó là bàn về khả năng chiến thắng về kỹ thuật đơn thuần. Trong thực tế, ngay cả Đài CNN - tập đoàn truyền thông chống ông Trump gay gắt nhất - hôm 24-9 cũng khẳng định bà Pelosi đã quá mạo hiểm khi quyết định chính thức mở cuộc điều tra luận tội này.

Theo CNN, chính bà Pelosi cũng không nắm chắc phần thắng, và thậm chí chưa hề biết nội dung cuộc điện đàm ngày 25-7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thực sự có gì.

Màn phản công tinh tế

Trước đây, ông Trump đã một lần “thoát nạn” sau khi cuộc điều tra nhằm vào mối liên kết giữa chiến dịch của ông với người Nga không ra kết quả bất lợi cho vị tổng thống này. Sự kiện ấy như một cái tát vào niềm tin dành cho Đảng Dân chủ.

Và nếu ông Trump tiếp tục trong sạch lần này, việc mở cuộc điều tra luận tội của bà Pelosi có thể xem như “nhát kiếm” cuối cùng cho Đảng Dân chủ trước thềm bầu cử.

Nói vậy để thấy rằng nhiệm vụ của phe Dân chủ hiện nay là phải chứng minh cuộc điều tra luận tội này không mang màu sắc đảng phái. Tạp chí Atlantic dẫn trường hợp ông Clinton năm 1998, để thấy rằng phe Cộng hòa khi đó đã gặp thảm họa vì quyết định đòi phế truất tổng thống. Họ bị coi là quá đảng phái, gây bất ổn cho đất nước và phản dân chủ.

Chính bà Pelosi cũng ý thức được điều này khi tìm cách nhắn nhủ với Đài CNN rằng đây không phải là cuộc điều tra luận tội vì lý do chính trị, vì Dân chủ hay Cộng hòa. “Đây là vấn đề chủ nghĩa ái quốc tại đất nước chúng ta” - bà quả quyết.

Nhưng ái quốc lại là chữ ông Trump trực tiếp sử dụng cho bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Mỹ cố tình nhấn vào lòng yêu nước, như để cảnh tỉnh rằng việc ông bị phế truất lúc này sẽ không mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ, với hàng đống chương trình - chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Biển Đông, thương mại, Iran, Trung Đông và Triều Tiên còn nằm đó, và cả những chỉ số kinh tế tích cực mà chính quyền đương nhiệm đang đạt được.

Đối với Đảng Cộng hòa ở Thượng viện, những gì ông Trump đang làm thậm chí còn đáng để “giữ ông lại” hơn nếu họ nghĩ tới tương lai nước Mỹ, thay vì có hay không có ông Trump ngồi ghế tổng thống với tư cách cá nhân.

82%

Khảo sát Reuters/Ipsos từ ngày 16 tới 20-9 cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump trong nội bộ Đảng Cộng hòa khá cao, 82%. Trong khi đó, 37% người Mỹ được hỏi cho biết muốn ông Trump bị luận tội, giảm so với 41% khảo sát trước đó.

Hiện nay, như Atlantic chỉ ra, khi xưa ông Clinton vẫn thoát nạn với tỉ lệ công chúng ủng hộ luận tội 35%, gần với mức 37% của ông Trump như đã nêu. Lịch sử không chống lại Trump.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.