Căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể khiến IS hồi sinh giữa bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tổ chức khủng bố này vẫn là một mối đe dọa lớn tại Trung Đông, bất chấp việc thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã chết và IS đã mất đi phần lãnh thổ tự xưng của chúng.
Một tay súng IS đang vẫy 1 lá cờ trong khi đứng trên một chiến đâu cơ chiếm được từ lực lượng chính phủ ở Raqqa, Syria năm 2015. Ảnh: Getty |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố rằng IS đã bị đánh bại. Tuy nhiên, thực tế là IS hiện còn có nhiều tay súng hơn thời điểm tổ chức khủng bố này thành lập năm 2014, cũng như sở hữu hàng triệu USD, các bài báo gần đây cho biết.
Masrour Barzani, người đứng đầu khu vực của người Kurd tại Iraq trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ Atlantic đã khẳng định: “IS vẫn không bị ảnh hưởng nhiều”.
“Đúng là IS đã mất phần lớn người lãnh đạo. Tổ chức khủng bố này cũng tổn thất nhiều người có khả năng. Nhưng IS vẫn có thể xoay xở để trau dồi kinh nghiệm và tuyển thêm nhiều tay súng khác. Vì thế, ta không nên xem nhẹ chúng”, ông Barzani nhận định.
Theo ông Barzani, IS vẫn còn khoảng 20.000 tay súng trên khắp Iraq và Syria. Mùa hè năm 2019, báo cáo của Lầu Năm Góc cho rằng IS còn xấp xỉ 14.000 - 18.000 quân trong khu vực. Số lượng các tay súng này nhiều hơn hẳn con số 10.000 tay súng của IS vào thời điểm tổ chức khủng bố này mới nổi lên vào năm 2014 khi chúng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria.
Mặc dù Tổng thống Trump đã nhiều lần nói về cái chết của Baghdadi - thủ lĩnh IS bị tiêu diệt trong cuộc không kích hồi tháng 10/2019 tại Syria nhưng một báo cáo gần đây từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy sự việc này hầu như không làm gián đoạn cơ cấu chỉ huy hay các chiến dịch của IS.
Ngoài ra, báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy IS vẫn còn 100 triệu USD trong ngân sách của chúng.
Trong khi đó, căng thẳng Mỹ - Iran đang diễn ở Trung Đông khiến cuộc chiến chống IS bị xao nhãng. Đầu tháng 1/2019, Tổng thống Trump đã ra lệnh không kích giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani, động thái đẩy Washington và Tehran bên bờ vực chiến tranh.
Cuộc không kích giết chết Tướng Iran của Mỹ đã khiến Tehran đáp trả bằng cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của Washington ở Iraq, làm hơn 100 quân nhân Mỹ được chẩn đoán bị chấn thương não. Mỹ cũng tạm dừng chiến dịch chống IS trong khu vực một thời gian sau cuộc không kích Tướng Soleimani.
“Cuộc đối đầu này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và IS, những điều vốn nên là ưu tiên của tất cả chúng ta”, ông Barzani nhận định với trang Atlantic.
Các nhà phân tích cho rằng IS thực sự vẫn là một mối đe dọa nhưng cũng thận trọng đánh giá, tổ chức khủng bố này chủ yếu chỉ hoạt động trong khu vực. Nói cách khác, IS không thể tấn công tới nước Mỹ trong tương lai gần.