Quang Hải (số 19): Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á 2018 tiếp tục duy trì được phong độ ổn định.
Dù được kéo lùi xuống và tham gia nhiều hơn vào việc tổ chức lối chơi, tiền vệ của Hà Nội vẫn hoàn thành tốt vai trò. Anh là người đóng vai trò cầu nối giữa hàng tiền vệ và tiền đạo, rất nguy hiểm khi cầm bóng đột phá cũng như ghi bàn. Tình huống mở tỷ số trong trận gặp Pakistan cho thấy sự thính nhạy và kỹ năng di chuyển không bóng cực tốt của Quang Hải. Anh xứng đáng là ngòi nổ nguy hiểm bậc nhất của Việt Nam.
Văn Quyết (số 10): Có những tranh cãi về suất trên 23 tuổi của Văn Quyết tham dự Asiad 2018, nhưng càng chơi, đội trưởng của Việt Nam càng tự tin.
Không tạo nhiều đột biến như đàn em Quang Hải, Văn Quyết bó vào trong nhiều hơn và thường là người dứt điểm khi bóng được trả ngược về tuyến hai hoặc xẻ từ nách vào trung lộ. Kinh nghiệm dày dạn giúp số 10 Việt Nam căn thời điểm chính xác lúc cần phải đá quyết liệt. Nếu may mắn hơn, Văn Quyết đã có thể bỏ túi nhiều hơn một pha lập công trên đất Indonesia.
Anh Đức (số 11): Không ai có thể thay đội trưởng Bình Dương giữ vai trò đá cắm trên hàng công.
Chiều cao 1m80, khả năng không chiến và chọn vị trí lợi hại giúp Anh Đức trở thành giải pháp hiệu quả nếu Việt Nam lâm vào thế bí. Minh chứng rõ nét cho sự cần thiết của Anh Đức là trận gặp Nepal. Suốt 45 phút đầu tiên, Việt Nam hầu như chỉ tạt cánh đánh đầu và lão tướng 33 tuổi chính là người mở tỷ số sau một pha băng cắt điển hình.
Hùng Dũng (số 18): Dự bị trận đầu nhưng tiền vệ của Hà Nội ngay lập tức chiếm được niềm tin của HLV Park Hang-seo khi được trao cơ hội.
Anh đá chính cả hai trận cuối thay Xuân Trường và điều tiết nhịp độ lối chơi cả đội một cách hợp lý. Trận gặp Nepal, Việt Nam không vội ép sân, dù được xếp cửa trên. Trận gặp Nhật Bản, Việt Nam tự tin cầm bóng, gây sức ép ngay phần sân đối thủ và có bàn thắng sớm. Tất cả đều nhờ khả năng đọc bài tốt của Hùng Dũng. Mất tiền vệ 25 tuổi ở vòng loại trực tiếp có thể xem là tổn thất cho Việt Nam.
Văn Thanh (số 17): Chưa thật xuất sắc như ở vòng chung kết U23 châu Á 2018, nhưng hậu vệ thuộc biên chế HAGL vẫn là mảnh ghép không thể thiếu trong chiến thuật của ông thầy người Hàn Quốc.
Có tốc độ, kỹ thuật, chăm dứt điểm và không ngại đột phá trước hàng thủ đối phương, lối chơi của Văn Thanh mang dáng dấp của một hậu vệ cánh hiện đại. Sự xuất hiện của anh giúp những miếng đánh biên của Việt Nam, nhất là ở cánh phải, có sức sát thương lớn.
Đình Trọng (số 21): HLV Park Hang-seo đã tỏ ra lo lắng với chấn thương của hậu vệ Hà Nội trước thềm Asiad 2018.
Riêng chi tiết này là đủ nói lên tầm ảnh hưởng của Đình Trọng, bởi anh là người duy nhất có khả năng đá thòng trong hàng thủ ba người. Phán đoán nhanh nhạy, tốc độ tốt, và kỹ năng tranh chấp bóng khôn ngoan, Đình Trọng gợi nhớ tới hình bóng Đỗ Khải thập niên 1990 trong lòng người hâm mộ.
Duy Mạnh (số 3): Được kéo xuống đá trung vệ, thay vì tiền vệ trụ như hồi khoác áo đội U19 Việt Nam, Duy Mạnh đã hoà nhập và làm quen rất nhanh với vị trí mới.
Chiều cao 1m80 của cầu thủ Hà Nội là điểm tựa để ông thầy người Hàn Quốc đặt niềm tin, mỗi khi đối phương chơi bóng bổng. Xuyên suốt từ giải U23 châu Á đến nay, Duy Mạnh luôn là cái tên không thể thiếu trong hàng thủ ba người của Việt Nam. Anh cũng là phương án phát động tấn công hiệu quả từ sân nhà, nếu Việt Nam chơi phản công.
Tiến Dũng (số 4): Là người chơi quyết liệt bậc nhất trong bộ ba trung vệ, cầu thủ của Viettel được xem là lá chắn thép trước khung thành của thủ môn cùng tên.
Khi Văn Quyết, Xuân Trường không thi đấu trong trận gặp Nepal, Tiến Dũng được ban huấn luyện tin tưởng giao băng thủ quân. Hậu vệ mang áo số 4 được ví như thủ lĩnh tinh thần nơi hàng thủ, góp công không nhỏ trong việc giữ sạch lưới qua ba trận vòng bảng Asiad.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu