Trường đại học cổ đại Ấn Độ nơi từng có 10.000 du học sinh

Được thành lập vào năm 427 sau Công nguyên, Nalanda được coi là trường đại học nội trú đầu tiên trên thế giới. Nơi đây có đến 9 triệu cuốn sách và có tới 10.000 sinh viên từ khắp Đông và Trung Á đến theo học.

Trường đại học cổ đại Ấn Độ nơi từng có 10.000 du học sinh

Nalanda đã phát triển rực rỡ trong hơn 7 thế kỷ. Ảnh: BBC

Sinh viên đến Nalanda để học y học, logic, toán học và trên hết là Phật giáo. Nalanda phát triển rực rỡ trong hơn 7 thế kỷ. Trường đại học Ấn Độ này còn xuất hiện trước cả Đại học Oxford (Anh) và trường đại học lâu đời nhất châu Âu Bologna (Italy), hơn 500 năm. Hơn nữa, cách tiếp cận của Nalanda đối với triết học và tôn giáo sẽ giúp định hình nền văn hóa châu Á rất lâu sau khi ngôi trường này không còn tồn tại.

Điều thú vị, các vị vua của Vương triều Gupta (năm 320-550 sau Công nguyên) thành lập Nalanda lại là những người theo đạo Hindu, nhưng đồng cảm và chấp nhận Phật giáo và các tác phẩm triết học thời bấy giờ. Các truyền thống văn hóa và tôn giáo tự do phát triển trong Vương triều Gupta tạo thành cốt lõi của chương trình học thuật đa ngành của Nalanda, kết hợp trí tuệ Phật giáo với kiến thức cao hơn trong các lĩnh vực khác nhau.

Hệ thống y học Ayurveda cổ đại của Ấn Độ, bắt nguồn từ các phương pháp chữa bệnh dựa trên tự nhiên, đã được giảng dạy tại Nalanda và sau đó được truyền bá đến những vùng khác của Ấn Độ thông qua các cựu sinh viên. Di sản sâu sắc và lâu dài nhất của Nalanda là những thành tựu về toán học và thiên văn học.

Ông Aryabhata, người được coi là cha đẻ của toán học Ấn Độ, đã đứng đầu Nalanda vào thế kỷ thứ 6. Giáo sư toán học tại Kolkata – bà Anuradha Mitra cho biết: "Chúng tôi tin rằng Aryabhata là người đầu tiên coi số 0 là một chữ số, một khái niệm mang tính cách mạng, giúp đơn giản hóa các phép tính toán học và giúp phát triển các hình thức phức tạp hơn như đại số và giải tích. Không có số 0, chúng ta sẽ không có máy tính”.

Trường đại học cổ đại Ấn Độ nơi từng có 10.000 du học sinh

Địa điểm khai quật ngày nay có thể chỉ là một phần nhỏ của khuôn viên ban đầu của trường Nalanda. Ảnh: BBC

Một số học giả và giáo sư giỏi nhất của trường Đại học Nalanda còn đến những nơi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Sri Lanka để truyền bá lời dậy và triết học Phật giáo. Chương trình trao đổi văn hóa cổ xưa này đã giúp truyền bá và định hình Phật giáo trên khắp châu Á.

Nhà sư Trung Quốc nổi tiếng Huyền Trang từng học và giảng dạy tại Nalanda. Khi trở về Trung Quốc vào năm 645, ông đã mang theo xe ngựa gồm 657 cuốn kinh Phật từ Nalanda. Huyền Trang sau đó trở thành một trong những học giả Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới và ông đã dịch một phần của cuốn kinh Phật mang từ Nalanda sang tiếng Trung. Đệ tử người Nhật Bản của ông là Dosho sau đó đã giới thiệu học thuyết này đến Nhật Bản. Do đó, Huyền Trang được ghi nhận là “nhà sư đã đưa Phật giáo về phương Đông”.

Vào những năm 1190, trường đại học này bị phá hủy bởi một đội quân do tướng Bakhtiyar Khilji lãnh đạo. Ông ta tìm cách dập tắt trung tâm tri thức Phật giáo trong cuộc chinh phục miền Bắc và miền Đông Ấn Độ. Khuôn viên Nalanda rộng lớn đến nỗi ngọn lửa do kẻ tấn công đốt được cho là đã cháy trong ba tháng.

Chín triệu bản thảo viết tay trên lá cọ của Nalanda là kho lưu trữ trí tuệ Phật giáo phong phú nhất trên thế giới. Chỉ một số ít bản thảo còn sót lại sau trận hỏa hoạn - do các nhà sư chạy trốn mang đi. Hiện chúng được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Los Angeles tại Mỹ.

Trường đại học cổ đại Ấn Độ nơi từng có 10.000 du học sinh

Có trên 13.000 cổ vật được phát hiện tại địa điểm khai quật. Ảnh: BBC

Một số học giả cho rằng Khilji muốn phá hủy Nalanda vì coi việc giảng dạy này cạnh tranh với Hồi giáo. Trong cuốn sách xuất bản năm 1934 có tiêu đề “Đại học Nalanda”, một trong những nhà khảo cổ học tiên phong của Ấn Độ là ông HD Sankaliya lại cho rằng diện mạo giống như pháo đài của khuôn viên trường và những câu chuyện về sự giàu có của nó là lý do đủ để những kẻ xâm lược coi Nalanda là địa điểm béo bở cho cuộc tấn công.

Trong sáu thế kỷ tiếp theo, Nalanda dần chìm vào quên lãng và bị chôn vùi. Nhà khảo sát người Scotland Francis Buchanan-Hamilton phát hiện Nalanda vào năm 1812, và sau đó được nhà sử học Alexander Cunningham xác định là Đại học Nalanda vào năm 1861.

Di tích khảo cổ của Nalanda tại bang Bihar ở Đông Bắc Ấn Độ hiện là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Ngày nay, địa điểm khai quật rộng 23 ha có thể chỉ là một phần nhỏ của khuôn viên ban đầu.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Tản văn: Chiếc nón của mẹ

Khi đã trải qua quá nhiều va vấp trên đường đời, tôi càng thấm thía hơn những nghĩa tình ấy. Chợt nhận ra, mẹ cũng chính là một chiếc nón vĩ đại che chở tôi đến hết cuộc đời…
Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Hoa hậu AI đầu tiên trên thế giới lộ diện

Kenza Layli - một nhân vật hoàn toàn được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo, vừa giành giải Hoa hậu AI. Người đẹp ảo này vốn có sức ảnh hưởng về mảng phong cách sống, thu hút lượng người theo dõi đông đảo trên Instagram, TikTok.
Vòng xòe nở hoa

Vòng xòe nở hoa

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, bà không tin là trong đời mình, có ngày lại được tự tay thắp hương lên mộ những vị anh hùng dân tộc...
Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tản văn: Căn nhà tuổi thơ

Tôi lớn lên, cảm giác như không gian nhỏ hẹp đi. Cái man mác buồn bơ vơ của ngày nhỏ cũng không còn nữa. Thiếu thốn qua đi, kỷ niệm không còn nguyên sơ nữa...
Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Đêm tàn dần. Bình minh bắt đầu lên từ phía bên kia thành phố. Huyên đi qua một đêm thức trắng, kỷ niệm chầm chậm trôi trong đầu như một cuốn phim...
Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Tản văn: Hừng nắng sau cơn mưa

Sau mỗi lần trời mưa, tôi thường có thói quen ngồi ở một chỗ nào đó thật cao để đón lấy cái hừng nắng đầu tiên. Cái hừng nắng trông non nớt mà lại vô cùng mạnh mẽ...
Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Vienna tiếp tục là thành phố đáng sống nhất thế giới

Thủ đô Vienna của Áo một lần nữa được “xướng tên” là thành phố đáng sống nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng thường niên của Economist Intelligence Unit (EIU) - cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc tập đoàn dịch vụ thông tin và truyền thông toàn cầu The Economist, trong đó có báo The Economist.
Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh khẳng định ‘khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông’, mà bắt đầu từ chính triết lý, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức…