Từ không tới có, biến khó thành dễ

(Baohatinh.vn) - “Mỗi cuộc cách mạng ở mỗi giai đoạn đều có những thuận lợi và khó khăn khác nhau. Điều quan trọng là Đảng và chính quyền mạnh, tạo được sự đồng hành trong nhân dân...”, ông Nguyễn Phi Trưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Long (Thạch Hà - Hà Tĩnh) chia sẻ về những bài học trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xứ đạo Lộc Thủy, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà. (Ảnh: Giang Nam)

Ông Trưng đưa một số dẫn chứng để tôi hiểu hơn vì sao xã Thạch Long lại xây dựng được NTM. “Đi từ không tới có” để “biến khó thành dễ”, trước hết, cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương vừa thuyết phục, vận động nhân dân vào cuộc, vừa biết điều hành những nội dung đã được hoạch định từ nghị quyết cấp ủy, những kế hoạch triển khai trong công việc hàng ngày.

Với diện tích hơn 5,7 km2, dân số hiện tại trên 6.000 người, xã Thạch Long có 9 thôn (riêng thôn Lộc Thủy là giáo toàn tòng). Theo ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà: “Bài học đầu tiên đã trở thành mô hình mẫu về xây dựng NTM chính là Thạch Long luôn biết phát huy tinh thần đoàn kết lương giáo. Trong kháng chiến chống Mỹ, Thạch Long đã động viên hàng trăm con em lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nếu cha xứ ngày xưa ra tận bến đò để đưa tiễn con em nhập ngũ với lòng kính chúa, yêu nước, thì hôm nay, lòng thành của các linh mục ở xứ Lộc Thủy đó là vận động bà con chung sức xây dựng NTM”.

Tôi đi theo một cán bộ mặt trận xã Thạch Long về thăm xứ đạo Lộc Thủy, gặp cha xứ Lê Trọng Châu tại nhà thờ. Xứ đạo Lộc Thủy hiện có hơn 600 hộ giáo dân, hầu hết các gia đình đều có nhà cửa khang trang, không ít gia đình con đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây nhà cao tầng. Cả xứ đạo có tới 10 ô tô, số hộ nghèo giảm chỉ còn 0,4%. Linh mục Lê Trọng Châu không giấu được niềm vui, nói với tôi rằng: “Ở đâu lương giáo cũng đoàn kết như ở đây thì cuộc sống sẽ đầm ấm và hạnh phúc. “Muốn tốt đời, đẹp đạo”, lương giáo phải đoàn kết, thương yêu nhau”.

Nghề đóng tàu ở Thạch Long

Ông Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà, từng là Bí thư Đảng ủy xã Thạch Long cho hay: “Sở dĩ Thạch Long xây dựng NTM thành công, chính là nhờ sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của ban chỉ đạo NTM từ huyện tới xã, từ xã tới thôn. Đối với xứ đạo Lộc Thủy, chúng tôi đánh giá cao vai trò của cha xứ Lê Ngọc Châu trong việc thuyết phục, vận động nhân dân góp công, góp của, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng”.

Thực tế, một xã muốn kinh tế - văn hóa - xã hội ổn định và phát triển bền vững, cái gốc là từ các thôn, xóm phải phát triển bền vững trước. Từ một thôn gương mẫu mới nhân rộng được các thôn khác làm theo. Ở Thạch Long, không chỉ cán bộ xã “cầm tay chỉ việc”, “nói ít, làm nhiều”, mà các trưởng thôn cũng hăng hái làm việc, thầm lặng hy sinh lợi ích riêng mình. Nhờ vậy, xã mới tạo dựng được phong trào toàn diện.

Theo báo cáo của UBND xã, việc xây dựng NTM đã tạo nên “cú hích” lớn giúp Thạch Long thay đổi toàn diện. Các mô hình kinh tế được tiếp tục triển khai như mô hình trồng cỏ, nuôi bò tại thôn Đan Trung, mô hình trồng lạc tại thôn Nam Giang... Nhiều thôn đã vận động nhân dân hiến hàng ngàn cây cối, 10.000 m2 đất, 500 m2 hàng rào và tham gia hàng trăm ngày công như thôn Đại Đồng, Nam Giang…

Qua thâm nhập thực tế ở từng thôn, chúng tôi thấy, khi mọi người đều có việc làm và thu nhập ổn định, không những thay đổi cuộc sống mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Nhiều năm qua, không có thanh niên sa vào tệ nạn xã hội. Tất cả mọi người dân đều có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ cương phép nước.

Dẫu xây dựng NTM, nhưng những gì có giá trị về thẩm mỹ và giá trị mang tính nhân văn lịch sử vẫn được bảo vệ và tôn tạo. Đặc biệt, gia đình nào, thôn xóm nào cũng có ý thức gìn giữ vệ sinh chung. Hàng tuần, các thôn xóm đều tổ chức ra quân, thu gom rác thải đều đặn.

An sinh về xã hội và an sinh về môi trường chính là nền tảng để xã Thạch Long vững bước trên con đường làm ăn mới. “Một tín hiệu xanh ở vùng đất bạc” đã trở thành mẫu hình mới của huyện Thạch Hà.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói