Hệ tư tưởng của Các Mác về chính trị, KT-XH đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới thời đại ông sống và mãi sau này. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và 3 tập “Tư bản” từng được Lê-nin và các nhà tư tưởng nghiên cứu kỹ. Các Mác cho rằng, lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp, trong đó giai cấp thống trị được biết đến là giai cấp tư sản và giai cấp lao động (giai cấp vô sản).
Các Mác (1818 - 1883) - Ảnh tư liệu
Câu nói nổi tiếng của Các Mác mà đến nay loài người vẫn còn coi như châm ngôn sống và hành động: “Hạnh phúc là đấu tranh!”. Đấu tranh chống lại áp bức bất công, chống lại kẻ xâm lược để giành lấy độc lập, tự do. Đấu tranh với những kẻ hung bạo gieo rắc chiến tranh, thù hận để bảo vệ hòa bình và sự sống. Đấu tranh với những lối mòn cũ kỹ, lạc hậu trong tư duy để vươn tới văn minh và tiến bộ. Đấu tranh với những kẻ tham nhũng và xấu xa để bảo vệ công bằng và lẽ phải…
Các Mác cũng khẳng định: “Nền dân chủ là con đường dẫn tới chủ nghĩa xã hội”. Gần 200 năm đã trôi qua, những nhận định ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì vậy mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã xây dựng thể chế chính trị là dân chủ (người dân làm chủ thông qua đại diện). Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945 đã thay thế cho chế độ quân chủ (vua làm chủ) trước đó.
Năm 1848, tại London, C.Mác và Ph.Ăngghen đã hoàn thành tác phẩm quan trọng có nhan đề Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Ảnh tư liệu
Về mặt xã hội, Các Mác đề cao vai trò kiến tạo, xây đắp xã hội của con người với những danh ngôn nổi tiếng: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, “Lịch sử không làm gì cả, nó không tạo ra vô vàn của cải, nó không chiến đấu. Chính con người, con người thật sự đang sống, đã làm tất cả những điều đó”.
Lịch sử thế giới đã chứng minh, con người đã tạo ra những thành tựu KHKT, công nghệ, văn hóa, văn học nghệ thuật, kinh tế, đặc biệt, những cuộc đấu tranh để bảo vệ hòa bình, hạnh phúc khắp năm châu bốn biển. Nước Việt Nam - “Đất nước bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”(*) cũng được dựng xây nên bởi những người dân chất phác, cần cù lao động, kiên cường, thông minh và dũng cảm.
Nói về ý nghĩa của hành động, việc làm quan trọng gấp nhiều lần những lý luận dài dòng, Các Mác nhận định: “Mỗi một bước vận động thật sự quan trọng hơn một tá cương lĩnh”. Sau này, Bác Hồ cũng đề cao sự noi gương của cán bộ, đảng viên trong việc làm hằng ngày. Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người luôn dặn dò cán bộ, đảng viên: Lời nói phải đi đôi với việc làm.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị lý luận cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong điều kiện mới”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Hà Nội vào sáng 12/3/2019 - Ảnh tư liệu
Thời kỳ khoa học công nghệ phát triển mạnh như vũ bão, máy móc, tiện nghi thay thế con người rất nhiều. Bên cạnh mặt tích cực thì chúng ta cũng nhận thấy những hạn chế nhãn tiền, đó là không ít thanh niên lười lao động, nhất là con em những gia đình giàu có. Cách đây gần 200 năm, Các Mác đã nhận định: “Sản xuất quá nhiều thứ hữu dụng tạo ra quá nhiều người vô dụng”. Đây là một lời cảnh tỉnh, một bài học cho các gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội.
Nhiều và rất nhiều danh ngôn nằm trong hệ tư tưởng, triết học Các Mác mà chắc chắn không chỉ hôm nay, loài người mai sau cũng sẽ nhận ra trong đó những giá trị to lớn để tự mình thay đổi tư duy, nhận thức, tự mình đấu tranh mạnh mẽ để giành lấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tự mình hành động để góp phần cải tạo và thay đổi xã hội, thay đổi thế giới.
(*) Thơ Nguyễn Khoa Điềm.