Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đặt vấn đề tại buổi làm việc.
Sáng 19/3, BTV Tỉnh ủy có buổi làm việc với Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội để thông tin tình hình KT-XH và lấy ý kiến tham vấn, góp ý về những định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và GS.TS Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách thuộc Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội - trưởng Nhóm Tư vấn chủ trì buổi làm việc. Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội Đặng Quốc Tiến cùng các thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tham dự buổi làm việc. Về phía tỉnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, Hội Khoa học Kinh tế tỉnh. |
Đoàn công tác Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tham gia buổi làm việc.
Mở đầu buổi làm việc, các đại biểu và thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội đã xem video thông tin tổng quát về tình hình KT-XH Hà Tĩnh từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay và những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thời gian tới.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tham dự buổi làm việc.
Theo báo cáo, tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) đến năm 2022 ước đạt gần 93.000 tỷ đồng (xếp thứ 30/63 cả nước). GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng/năm, tăng 8,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2020.
Về cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp chiếm 15%, công nghiệp và xây dựng chiếm 40%, dịch vụ thương mại chiếm 45%.
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 4%/năm. Năm 2022, thu ngân sách đạt hơn 18.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và vượt 25% dự toán Trung ương giao.
PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý các giải pháp phát triển đô thị ở Hà Tĩnh.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều dự án lớn vào đầu tư. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 70 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 20.000 tỷ đồng và 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD.
Đặc biệt, Hà Tĩnh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh góp ý về vấn đề phát triển công nghiệp, đô thị hóa, huy động nguồn lực, quản trị rủi ro.
Mục tiêu tổng quát của Hà Tĩnh là xây dựng tỉnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, đến năm 2025 trở thành tỉnh nông thôn mới; đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có GRDP cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.
Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.
GS.TS Nguyễn Ngọc Huệ - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa Việt Nam: Cảng Vũng Áng - Sơn Dương có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển, cần phát triển dịch vụ hậu cần để thu hút nguồn hàng.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội đã “hiến kế” nhiều giải pháp căn cơ nhằm phát triển bền vững KT-XH như: khai thác các nguồn tài nguyên hiệu quả; phát huy lợi thế cảng biển, phát triển dịch vụ logistics; phát triển du lịch, phát huy các lợi thế của danh lam thắng cảnh và giá trị văn hóa phi vật thể; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động nguồn lực triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
GS Nguyễn Huy Mỹ - nguyên Trưởng phòng Thí nghiệm, Viện Các vấn đề Điều khiển - Viện Hàn lâm khoa học Nga đề xuất giải pháp về phát triển du lịch và phát huy giá trị văn hóa của làng Trường Lưu (Can Lộc).
Các đại biểu cũng thảo luận, góp ý các nội dung như: mở rộng không gian TP Hà Tĩnh; phát triển kinh tế xanh; nâng cao chất lượng đào tạo Trường Đại học Hà Tĩnh; vấn đề quản trị rủi ro; quá trình đô thị hóa; vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường...
GS.TS Mai Trọng Nhuận - Trưởng Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Mai Trọng Nhuận - Trưởng Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội cho rằng, Hà Tĩnh cần tập trung vào các nhóm vấn đề: đưa công nghệ phủ lên các lĩnh vực; tạo đột phá số; ưu tiên phát triển công nghiệp; phát triển và phát huy lợi thế cảng Vũng Áng; đột phá về du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa; tạo môi trường sống an toàn; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, có chỉ số hạnh phúc cao; đô thị hóa; tạo đột phá về đầu tư và phát triển doanh nghiệp; đột phá về thể chế, chính sách.
GS.TS Mai Trọng Nhuận cũng nêu các bước, phương hướng làm việc của Nhóm Tư vấn để hỗ trợ giải quyết các nhóm vấn đề. Đồng thời, mong muốn tỉnh Hà Tĩnh cung cấp thêm ý tưởng về hướng phát triển bền vững, cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết và quyết định cơ chế phối hợp với nhóm tư vấn, lựa chọn nội dung triển khai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cảm ơn các thành viên Nhóm Tư vấn đã luôn dành nhiều tâm huyết, tình cảm hướng về quê hương. Đặc biệt, nhóm đã mời được nhiều chuyên gia đầu ngành cùng tham gia tư vấn cho tỉnh Hà Tĩnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các thành viên Nhóm Tư vấn đã tham gia góp ý, gợi mở nhiều nội dung với trách nhiệm cao. Đây là những ý kiến vô cùng quý giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp thu và nghiên cứu, bổ sung các giải pháp chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy cũng thông tin thêm một số nội dung các thành viên Nhóm Tư vấn quan tâm như: định hướng mở rộng quy mô TP Hà Tĩnh, đầu tư phát triển đô thị phía Bắc và Nam Hà Tĩnh; khai thác lợi thế cảng Vũng Áng - Sơn Dương; các tập đoàn, doanh nghiệp đang nghiên cứu đầu tư dự án vào địa bàn tỉnh; định hướng phát triển du lịch tâm linh, xây dựng các tour du lịch kết nối Hà Tĩnh với các tỉnh Lào, Thái Lan, kêu gọi tập đoàn lớn vào đầu tư để phát triển du lịch dịch vụ... Hà Tĩnh cũng mong muốn đưa Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội để nâng cao chất lượng đào tạo.
Bí thư Tỉnh ủy mong rằng, Nhóm Tư vấn sẽ tiếp tục kết nối đội ngũ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học hướng về quê hương, tư vấn cho Hà Tĩnh về phát triển KT-XH cũng như thu hút đầu tư, hỗ trợ tỉnh để Hà Tĩnh có những bước phát triển tốt hơn.