Thiệp nhắn chúc nhau có cuộc sống yên lành, no đủ, giầu sang, hạnh phúc
Lễ này thường diễn ra sau 3 tháng mùa chay (Khaophansa). Trong 3 tháng mùa chay, các nhà sư chăm tại các ngôi chùa không xê dịch, chăm việc thiền định, còn người thường không cất nhà, không cưới hỏi, kiêng rượu, bia, kiêng sát sinh, tăng cường làm việc thiện...
Lễ hội ra mùa chay được tổ chức trang trọng tại các ngôi chùa nhằm cúng thần phật, tạ ơn trời đất, tạ ơn mẹ nước đã phù hộ cho người dân mùa tốt tươi, cuộc sống an hòa.
Theo truyền thuyết, người Lào còn tạ ơn thần rắn Naga – thủy thần luôn ban dòng nước, làm cho mưa thuận gió hòa để người dân được sống no đủ, hạnh phúc, đất nước thanh bình.
Đua thuyền tại thị xã Văng-viêng
Theo đó, mừng vui lễ này, tại các địa phương, người ta tìm đến các con sông lớn để mở hội đua thuyền. Sau cuộc đua đều có phần thưởng cho các đội đua thắng cuộc và giữ ngôi vị cho đến mùa đua năm sau.
Tại Thủ đô Viêng-chăn, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Mêkong đoạn chảy ngang qua thành phố giáp ranh với tỉnh Nongkhai của Thái Lan, thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương tham dự, cổ vũ, động viên các đội đua. Năm nay, lễ hội đua thuyền diễn ra trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới nên giới chức các địa phương luôn cảnh báo người dân đeo khẩu trang và giữ giãn cách không tiếp xúc gần.
Đua thuyền tại thủ đô Viêng-chăn
Trước đó, đêm qua, đúng ngày rằm tháng 11 theo Phật lịch Lào, người dân đã đến các ngôi chùa lễ Phật, cúng dường, thắp nến và thả hoa đăng trên các bến sông.
Theo quan niệm của người Lào, sau lễ mãn chay, những ưu phiền sẽ được xua đi hết, để mọi người bắt đầu những ngày vui mới nhiều may mắn và hạnh phúc hơn.
Lễ mãn chay của người Lào sôi nổi và nổi bật nhất vẫn là đua thuyền được diễn ra đồng loạt khắp cả nước. Dịp này người Lào ở khắp nơi đều nhắn tin chúc nhau có cuộc sống yên lành, no đủ, giầu sang, hạnh phúc, xua tan những buồn khổ, rủi ro, bất hạnh.