Anh Nguyễn Thế Hoàn - Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh: Mỗi đại biểu sẽ là một hình ảnh đẹp về thanh niên Hà Tĩnh.
Tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, đoàn Hà Tĩnh vinh dự được tham gia tham luận với nội dung: “Vai trò của thanh niên trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”. Tham luận thể hiện kết quả hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của tuổi trẻ Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ qua. Hy vọng, qua đây chúng tôi được lắng nghe những chia sẻ, trao đổi của các đơn vị bạn để góp phần làm cho “lá phổi” chúng ta luôn xanh.
Tại đại hội, ngoài chương trình chính, đoàn sẽ được tham dự các diễn đàn, thảo luận, các phiên đối thoại với bộ, ngành Trung ương. Đây sẽ là cơ hội để tuổi trẻ Hà Tĩnh nói lên tiếng nói của mình, chuyển tải nhiều đề xuất, ý kiến, nguyện vọng. Mỗi đại biểu sẽ là một hình ảnh đẹp của thanh niên Hà Tĩnh.
Chúng tôi cũng mong muốn, đại hội sẽ có tiếng nói chung góp phần tạo ra cơ chế giúp thanh niên phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục có các giải pháp để thanh niên kiếm được việc làm ngay trên chính quê hương mình.
Chúng tôi mong muốn Đoàn cấp trên và các bộ, ngành liên quan sẽ quan tâm, có cơ chế ưu đãi hơn cho cán bộ Đoàn cơ sở để họ thực sự đam mê, tâm huyết với phong trào đoàn, phát huy sự sáng tạo của mình trong tham gia phát triển kinh tế xã hội.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - Bí thư Đoàn xã Thượng Lộc (Can Lộc): Giáo dục chính trị, tư tưởng cho ĐVTN là nòng cốt.
Có thể thấy, thanh thiếu nhi hiện nay, nhận thức và hành động đã khác nhiều so với trước đây. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đoàn kết, tập hợp thanh niên tại cơ sở.
Theo tôi, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là công tác then chốt mà Đoàn cần quan tâm để định hướng người trẻ tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, hướng đến những lý tưởng cao đẹp trong cuộc sống.
Tôi mong đại hội lần này sẽ có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để góp phần thay đổi nhận thức về lối sống cho ĐVTN trong thời kỳ hội nhập.
Làm thế nào để thanh niên giữ vững bản lĩnh, biết chọn lọc nguồn tin, thậm chí biết tận dụng lợi thế của mạng xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay? Làm thế nào để thanh niên nông thôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong chung tay xây dựng địa phương phát triển? Tôi hy vọng những vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận và thu về nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Chị Lê Thị Thắm - Tổ trưởng Tổ hợp tác Thanh niên trồng nấm và dược liệu xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân): Quan tâm mô hình khởi nghiệp của thanh niên.
Hiện nay, nhiều sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp khả thi, nhưng hầu hết gặp những khó khăn về tài chính. Vì vậy, tôi rất mong đại hội lần này nên vận động thành lập quỹ hỗ trợ về vốn, hỗ trợ những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp khả thi.
Đồng thời, mong muốn Đảng, Nhà nước, tổ chức Đoàn cấp trên có các giải pháp định hướng, hướng dẫn, liên kết giữa thanh niên đang làm chủ các mô hình kinh tế có cùng con giống, vật nuôi, nghề nghiệp và lĩnh vực kinh doanh… thành các nhóm, tổ chức để cùng nhau phát triển.
Chị Hồ Thị Thường - Bí thư Chi đoàn Trường Dân tộc nội trú Hương Khê: Đoàn kết tập hợp thanh niên tôn giáo, dân tộc.
Cần quan tâm dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, việc tiếp cận tư vấn nghề nghiệp để chọn những ngành thật sự cần thiết cho sự phát triển cũng như nhu cầu của địa phương, của thị trường vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn tại đại hội sẽ nhận được nhiều giải pháp, cách làm hay trong đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên tôn giáo, dân tộc và phát huy sức mạnh của lực lượng này trong xây dựng, phát triển địa phương.