Em Nguyễn Đức San - lớp 11D2, Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh: Tích cực trau dồi kiến thức về các giá trị văn hóa.
Với số điểm 210, em Nguyễn Đức San - học sinh lớp 11D2, Trường THPT Phan Đình Phùng vừa xuất sắc vượt qua 18 thí sinh khác tại vòng chung kết cấp tỉnh để giành giải nhất cuộc thi “Tự hào Việt Nam”. Đây là cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức; là một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, học sinh, khơi dậy tinh thần ham mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Qua đó, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đức San chia sẻ: “Không chỉ ở cuộc thi mà bản thân em hiểu rằng, mỗi cá nhân, đặc biệt là học sinh phải tìm hiểu bản sắc văn hóa của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa. Hiện nay, một số bạn trẻ có xu thế hướng ngoại khiến nhiều giá trị truyền thống, bản sắc tốt đẹp ngày càng bị mai một, hiểu biết của giới trẻ về truyền thống cũng dần bị thu hẹp. Chính vì vậy, chúng em cần cố gắng trong học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức về những giá trị văn hóa dân tộc”.
Đức San cũng bày tỏ mong muốn nhà trường, các cấp, ngành tổ chức nhiều hơn những hoạt động, các cuộc thi tìm hiểu với hình thức phong phú, mới mẻ để tạo hứng thú cho các bạn học sinh; từ đó tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về văn hóa dân tộc.
Chị Võ Thị Thanh Bình - thuyết minh viên tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc: Vun đắp truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đồng Lộc anh hùng, chị Võ Thị Thanh Bình (SN 1996) luôn mang trong mình niềm tự hào, biết ơn sâu sắc về thế hệ cha ông đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc. Chị đã quyết định theo học chuyên ngành Quản lý văn hóa và sau này trở thành một thuyết minh viên, ngày ngày truyền tải câu chuyện huyền thoại về cõi thiêng Đồng Lộc.
“Dù lượng khách đông, công việc ngoài trời vất vả không kể nắng mưa, nhưng lòng thành kính, biết ơn và tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ là động lực để tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Là người thuyết minh, nhưng nhiều lúc chính tôi lại được nghe những người lính, người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử kể về tháng ngày chiến đấu oanh liệt ấy. Từ đó, tôi có thêm kiến thức, cảm xúc trong những bài thuyết minh của mình.
Đặc biệt, với những đội viên, ĐVTN, tôi luôn cố gắng đưa tới các bạn nhiều thông tin nhất. Bởi tôi hiểu, những câu chuyện được truyền đạt chính là “sợi dây” kết nối thế hệ trẻ với những ký ức chiến tranh của cha ông. Công việc của tôi chính là đang góp phần vun đắp, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, của dân tộc Việt Nam” - chị Võ Thị Thanh Bình chia sẻ.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Đoàn xã Thạch Ngọc, Thạch Hà: Khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong đoàn viên thanh niên.
Với cương vị Bí thư Đoàn xã, anh Nguyễn Mạnh Hùng đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Bí thư Đoàn xã Nguyễn Mạnh Hùng cũng đổi mới nội dung hoạt động của tổ chức Đoàn để thu hút sự tham gia của ĐVTN, phát huy vai trò, sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới, khu dân cư mẫu, xây dựng quê hương; phát huy truyền thống văn hóa của gia đình, dòng họ, xóm làng và địa phương; thông qua diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Tự hào thanh niên Việt Nam”, cuộc vận động “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”, “Thanh niên khởi nghiệp”… giúp ĐVTN định hướng được vai trò, mục tiêu, lý tưởng của tuổi trẻ để vươn lên trong học tập và lao động sản xuất.
Các phong trào hành động cách mạng được tổ chức thiết thực, tạo môi trường để thanh niên cống hiến và làm việc có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều công trình, phần việc thanh niên có ý nghĩa được ĐVTN chung tay thực hiện như “đường hoa thanh niên”, “đường điện thanh niên”, “điểm phao cứu sinh phòng chống đuối nước”, khu vui chơi và bộ đồ chơi dân gian…
Chị Nguyễn Thị Điểm - cán bộ Hội LHPN xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh: Bảo tồn và phát huy làn điệu ví, giặm.
“Sinh ra trong gia đình bố mẹ và người thân đều có tình yêu lớn với những làn điệu dân ca, vì vậy mà những câu hò, điệu ví đã đi cùng tôi suốt từ thuở thơ ấu tới lúc trưởng thành. Những làn điệu dân ca ví, giặm càng nghe càng đi vào lòng người” - chị Nguyễn Thị Điểm tâm sự.
Có năng khiếu và niềm đam mê với âm nhạc dân gian, chị Điểm đã theo học chuyên ngành về âm nhạc. Về công tác tại địa phương, chị thường xuyên tham gia sinh hoạt với CLB Dân ca ví, giặm xã Kỳ Châu. “Dân ca ví, giặm là nét văn hóa đặc sắc, xuyên suốt hàng thế kỷ và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là một người trẻ, tôi luôn tâm niệm phải gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của cha ông.
Tôi thường xuyên trau dồi, học hỏi những người đi trước, tiếp nhận, chọn lọc cái hay, cái mới ở các làn điệu... tham gia nhiều tiết mục biểu diễn tại các chương trình lớn cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần phát huy, lan tỏa nét đẹp dân ca ví, giặm đến mọi người”.
Em Trần Thị Hạnh Nguyên - du học sinh Trường Lumière University Lyon 2, Pháp: Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế thanh niên về văn hóa.
Là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, từng đạt điểm tuyệt đối môn Tiếng Pháp tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018, nữ sinh Trần Thị Hạnh Nguyên đang là du học sinh năm 3 tại Trường
Lumière University Lyon 2 - một trong những trường đại học hàng đầu nước Pháp trong lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế, chính trị và luật. Sinh sống, học tập và làm việc tại nước Pháp, Hạnh Nguyên luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc, hướng về quê hương Việt Nam.
Hạnh Nguyên chia sẻ: “Trong quá trình học tập, em được gặp gỡ với rất nhiều bạn bè quốc tế. Em khá bất ngờ khi nhiều bạn tỏ ra hứng thú và muốn được nghe nhiều hơn về văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Những lúc như vậy, em tự ý thức được trách nhiệm của mình và cố gắng đưa tới các bạn nhiều thông tin hơn, quảng bá, giới thiệu về truyền thống, ẩm thực, địa danh, con người Việt với bạn bè khắp năm châu. Một số người đã từng du lịch hoặc làm tình nguyện viên tại Việt Nam, tất cả những chuyến đi đó đều để lại cho họ những ấn tượng tốt đẹp”.
Hạnh Nguyên cho biết, em cũng đã có dịp làm “xiêu lòng” bạn bè nước ngoài bởi những món ăn truyền thống như bánh xèo, gỏi cuốn và đặc biệt là cháo canh Hà Tĩnh. Nhiều bạn còn muốn được học, viết tiếng Việt...
Anh Nguyễn Đức Trà - chuyên viên Sở Giao thông vận tải: Phát huy tinh thần sáng tạo của thanh niên.
“Để góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, mỗi ĐVTN cần nêu cao tinh thần yêu nước, phấn đấu vì sự phát triển của dân tộc, xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh. Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tính sáng tạo của thanh niên càng phải được phát huy” - kỹ sư Nguyễn Đức Trà chia sẻ.
Với quan điểm cần cù, sáng tạo trong lao động chính là một nét văn hóa đẹp của dân tộc, anh Trà luôn say mê với việc nghiên cứu các ứng dụng tiến bộ KHKT vào nhiệm vụ chuyên môn, quản lý Nhà nước. Gần 10 năm công tác tại Sở GTVT, anh đã có nhiều sáng kiến, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn công việc. Cụ thể như sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý các tuyến đường bộ tỉnh Hà Tĩnh”, xây dựng phần mềm online “quản lý kết cấu hạ tầng giao thông”… Qua đó từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Bản thân anh luôn chuyên cần, sáng tạo, thường xuyên rèn luyện, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn; ý thức cao trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các xã được Sở GTVT nhận đỡ đầu… Với nhiều cống hiến trong công tác, anh đã nhận được nhiều khen thưởng của Bộ GTVT, UBND tỉnh…